Chương trình nêu rõ mục tiêu đào tạo:  Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại trang bị cho người học đạo đức, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, có đạo đức, kỹ năng hành nghề cơ bản; tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên, Thừa phát lại, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Đối tượng đào tạo: là những người có trình độ cử nhân luật trở lên

Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển hoặc thi tuyển

Chuẩn đầu ra: Người tốt nghiệp Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại phải đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp sau đây:

Về kiến thức: Hiểu được vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Chấp hành viên, Thừa phát lại trong hoạt động nghề nghiệp; Vận dụng được quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thừa phát lại; Vận dụng được kiến thức pháp lý trong các lĩnh vực hành nghề của Chấp hành viên, Thừa phát lại.

Về kỹ năng: Thực hiện được kỹ năng nghề nghiệp của Chấp hành viên, Thừa phát lại trong việc tống đạt, thông báo văn bản, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án; kỹ năng nghề nghiệp của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng; Thực hiện được kỹ năng hành nghề đặc thù của Chấp hành viên, Thừa phát lại trong việc trực tiếp tổ chức thi hành án đối với một số vụ việc cụ thể, kỹ năng đặc thù của Thừa phát lại trong việc tiếp xúc, trao đổi với người yêu cầu và tạo lập chứng cứ.

Về thái độ: Trung thành với Tổ quốc, có ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; Có phẩm chất đạo đức và văn hóa ứng xử phù hợp với các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên, Thừa phát lại; Thích nghi cơ bản với môi trường hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp, cải cách tư pháp và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hình thành ý thức học tập suốt đời để phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

Thời gian đào tạo: 09 tháng (27 tín chỉ); hình thức đào tạo: Đào tạo theo tín chỉ; Phương thức đào tạo: Đào tạo tập trung hoặc từ xa theo phương thức trực tuyến; đơn vị đào tạo: Học viện Tư pháp./.

Hứa Nguyên