Theo đó, Công văn nêu rõ: Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, nhiều vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo chỉ đạo thành công, một phần cũng có sự tham gia đóng góp tích cực của công tác truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách còn một số những tồn tại: một số cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí; công tác “truyền thông” của một số cơ quan, đơn vị chủ yếu coi là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, chưa phải trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, của chính quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin nên còn có sự lúng túng, đôi khi chạy theo dư luận hoặc khủng hoảng truyền thông; hầu hết các bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch cụ thể để định hướng, từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ, nguồn lực triển khai thực hiện một cách tổng thể để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.

Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021  của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Chỉ đạo rà soát, kiện toàn lại đội ngũ công chức, viên chức làm công tác truyền thông tại các bộ, ngành, địa phương mình theo hướng có bố trí bộ phận, nhân sự chuyên trách có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông. Cử cơ quan, nhân sự đầu mối liên hệ, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn, hỗ trợ (nếu cần). Thời hạn hoàn thành: Quý II/2022.

2. Sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế làm việc liên quan, cho phép các đơn vị phụ trách truyền thông chính sách được tham gia phản biện xây dựng đối với các quy trình soạn thảo, quyết định chính sách. Xây dựng kế hoạch truyền thông ngay từ khi chuẩn bị ban hành chủ trương, chính sách và trong quá trình thực thi.

3. Bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa theo quy định của pháp luật cho hoạt động truyền thông chính sách, tăng cường đặt hàng đối với các cơ quan báo chí - truyền thông thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu, tăng kinh phí đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách cho cán bộ, tăng kinh phí đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin để rà quét, phân tích, đánh giá xu hướng thông tin, thăm dò dư luận, đánh giá tác động truyền thông trong quá trình hoạch định, ban hành, thực thi chính sách....

4. Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi các thông tin, báo cáo liên quan về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 31/3/2022, để tổng họp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 Hoàng Lộc