Thời gian qua, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến được ngày càng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.
Tại Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước những năm gần đây đều giao chỉ tiêu về tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: (i) Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020: Tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 30%; (ii) Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm 20% so với năm 2020; (iii) Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022 yêu cầu: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm so với năm 2021 là 20%. Tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã yêu cầu: “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022”.



Thực tế cho thấy, việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Sử dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước bất cứ thời điểm nào trong ngày, ở địa điểm có kết nối Internet. Người nộp hồ sơ còn được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Với mục tiêu cải thiện số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, đồng thời, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp. Nỗ lực thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Để hoàn thành mục tiêu “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022”, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: thường xuyên rà soát, thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật, tổ chức nhiều cuộc làm việc để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cũng như giải pháp để kết nối các dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Kết quả, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tư pháp đã kết nối thêm 30 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 50 dịch vụ công (tăng 20 dịch vụ công so với năm 2021). Hiện tại, Bộ Tư pháp đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ rà soát tái cấu trúc quy trình và thực hiện quy trình để kết nối tiếp 20 dịch vụ công còn lại của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp

Để bảo đảm việc quản lý, vận hành Hệ thống thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp được thông suốt, thống nhất, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2155/QĐ-BTP ngày 03/11/2022 ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp. Quy chế gồm 4 chương, 23 điều, theo đó, Cổng Dịch vụ công của Bộ Tư pháp có địa chỉ truy cập là: https://dichvucong.moj.gov.vn. Gồm: Danh mục và thông tin về các dịch vụ công trực tuyến, tra cứu hồ sơ, thanh toán trực tuyến; Thông tin kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Thông tin về thủ tục hành chính Bộ Tư pháp (Trang thông tin về thủ tục hành chính Bộ Tư pháp); quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục hành chính; Thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; Thông tin hướng dẫn nộp hồ sơ và tra cứu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng; Thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các đơn vị có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tư pháp; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ; Thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình xử lý hồ sơ của các đơn vị thuộc Bộ; Thông tin về dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; Thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tư pháp; Các trang liên kết: Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số; Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Cổng hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự; Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản; Các thông tin khác theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tại Quy chế, cũng đã phân trách nhiệm của các đơn vị, các cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình giải quyết quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp; tạo thuận lợi cho Lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành theo dõi, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc Bộ; đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp, đồng thời giúp các đơn vị thuộc Bộ theo dõi, đánh giá công chức, viên chức đơn vị mình quản lý để góp phần cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp ngày càng tốt hơn./.

 

https://moj.gov.vn/cchc/tintuc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=701

Nguồn từ www.moj.gov.vn