Để thực hiện yêu cầu nêu trên, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau đây:

1. Đánh giá thực tế việc xác định đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015, trong đó đề nghị nêu các tiêu chí để xác định các đơn vị là đơn vị kế toán (trường hợp không theo các tiêu chí thì việc xác định thực hiện như thế nào). Các vướng mắc, bất cập có liên quan đến thực tế xác định đơn vị kế toán hiện nay.

2. Đánh giá các nội dung liên quan đến người đại diện theo pháp luật đơn vị kế toán, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị kế toán theo quy định tại Điều 50 Luật Kế toán.

3. Đánh giá thực trạng về bố trí bộ máy kế toán và người làm kế toán hiện nay, trong đó lưu ý đánh giá rõ theo các quy định từ Điều 49 đến Điều 56 Luật Kế toán và từ Điều 18 đến Điều 22 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán. Nêu rõ các vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có) theo một số nội dung như sau:

- Việc thực hiện quy định “Đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán”, nêu rõ thực trạng về tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương hiện nay. Trong đó lưu ý các trường hợp đơn vị tổ chức bộ máy kế toán nhưng chỉ bố trí 1 người, 1/2 người kiêm nhiệm, tổ chức bộ máy kế toán thuộc văn phòng, phòng hành chính, phòng quản trị hoặc các trường hợp không bố trí được người làm kế toán mà phải tổ chức bộ máy kế toán tập trung (ví dụ thành lập bộ máy kế toán tại phòng giáo dục và đào tạo huyện để thực hiện kế toán tập trung cho tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn; thành lập bộ máy kế toán tại UBND cấp huyện để thực hiện kế toán tập trung cho các phòng ban chuyên môn trực thuộc), các trường hợp thiếu cán bộ phải bố trí người không có trình độ chuyên môn về kế toán làm kế toán,...

Riêng Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, đề nghị nêu rõ thực trạng tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị (tổ chức bộ máy kế toán của phòng tài chính kế hoạch quận và việc bố trí người làm kế toán để tổng hợp báo cáo tài chính của đơn vị trực thuộc theo quy định Thông tư số 99/2018/TT-BTC với vai trò đơn vị dự toán cấp I, tổ chức công tác kế toán của UBND phường sau khi chuyển thành đơn vị dự toán cấp quận hoặc cấp thành phố,...).

- Việc thực hiện quy định của Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP: “Tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị kế toán do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị quyết định. Trường hợp tổ chức, đơn vị không có cơ quan có thẩm quyền thành lập thì do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định”, hiện nay thực tế bộ máy kế toán của nhiều đơn vị được thành lập trong cơ cấu tổ chức chung (ví dụ các sở ban ngành cấp tỉnh, phòng chuyên môn thuộc huyện,...gặp vướng mắc khi thực hiện hoặc vướng mắc về thẩm quyền để tổ chức bộ máy kế toán của thủ trưởng đơn vị...).

- Việc thực hiện các quy định tại Khoản 4, Điều 18, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, trong đó nêu rõ các vướng mắc trong thực tế khi áp dụng quy định “Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước tổ chức công tác kế toán theo đơn vị dự toán ngân sách”. Tại các địa phương đề nghị đánh giá thực tế khi giao dự toán cho đơn vị có xem xét việc bố trí người làm kế toán theo quy định của pháp luật kế toán để ghi chép kế toán, kiểm soát, báo cáo việc tiếp nhận và sử dụng nguồn NSNN cấp hay không (qua công tác giám sát thực tế hiện nay cho thấy nhiều đơn vị được giao dự toán ngân sách nhưng không được bố trí người làm kế toán, điển hình như các đơn vị dự toán ngân sách có mô hình tổ chức nhỏ hoặc rất nhỏ, ví dụ phòng ban chuyên môn thuộc cấp huyện, các hội đoàn thể,... hoặc đơn vị thuộc địa phương có quy mô nhỏ nhưng được giao quản lý kinh phí ủy quyền của ngân sách trung ương (kinh phí rất lớn) như phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện,...).

- Tình hình thực hiện quy định “Đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán đảm bảo các quy định của Luật Kế toán”, các trường hợp không được bố trí vị trí việc làm về kế toán hoặc không có người đủ tiêu chuẩn điều kiện theo quy định tại Điều 51, 54 Luật Kế toán; các trường hợp bố trí người làm kế toán khi người làm kế toán nghỉ thai sản, nghỉ ốm kéo dài, khi đơn vị chỉ có 1 người làm kế toán hoặc người làm kế toán kiêm nhiệm,...(các khó khăn khi bố trí người có chuyên môn phù hợp về kế toán theo quy định để giải quyết công việc, trường hợp không bố trí được người thay thế thì giải pháp liên quan đến chữ ký kế toán trưởng trên các chứng từ kế toán, chứng từ rút tiền tại ngân hàng, kho bạc,... để đảm bảo tính pháp lý). Trường hợp đơn vị ký hợp đồng lao động sau đó bố trí làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc ký hợp đồng với cán bộ kế toán cũ đã nghỉ hưu để tiếp tục làm kế toán đơn vị do không được tuyển dụng mới,...(nếu có).

- Tình hình thực tế của việc bố trí kiêm nhiệm người làm kế toán liên quan đến xác định trách nhiệm, thẩm quyền, phụ cấp công việc của người làm kế toán,...lưu ý trường hợp bố trí một người kiêm nhiệm công việc kế toán của nhiều đơn vị khác nhau hoặc bố trí một người vừa là kế toán trưởng của đơn vị cấp trên đồng thời kiêm kế toán trưởng của đơn vị cấp dưới, của Ban quản lý dự án,...

Ngoài ra các nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định Khoản 4, Điều 52 Luật Kế toán và Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP về những người không được làm kế toán. Thực tế việc xác định người đang làm quản lý, điều hành đơn vị (lưu ý trường hợp bộ phận kế toán thuộc văn phòng khi Chánh văn phòng cũng được bố trí kiêm nhiệm là kế toán trưởng/phụ trách kế toán của đơn vị).

- Thực tế việc thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo quy định (tại địa phương có đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không, các bất cập khi thực hiện thuê dịch vụ).

- Việc bố trí người làm kế toán theo pháp luật kế toán khi thực hiện luân chuyển người làm kế toán theo quy định của pháp luật khác.

- Tình hình thực hiện các nội dung liên quan đến bổ nhiệm kế toán trưởng của đơn vị kế toán là đơn vị dự toán cấp I, đơn vị kế toán cấp trên. Trách nhiệm, vai trò kế toán trưởng trong trường hợp bộ máy kế toán ngoài công việc kế toán trực tiếp, lập báo cáo tài chính còn được giao làm nhiệm vụ liên quan đến kế hoạch, thống kê, dự toán, đầu tư,... (ví dụ Phòng tài chính kế toán, Vụ kế hoạch tài chính, Vụ tài chính,...),...

- Đánh giá việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán, việc phân định trách nhiệm trong trường hợp đơn vị bổ nhiệm đồng thời cả trưởng phòng kế toán và kế toán trưởng (là 2 người khác nhau), các trường hợp kế toán trưởng có mặt tại đơn vị nhưng ủy quyền cho người khác ký chứng từ,...(nếu có).

- Các hoạt động triển khai công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp.

- Tình hình triển khai áp dụng các phần mềm kế toán; tính thống nhất và chất lượng của phần mềm kế toán áp dụng.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng đội ngũ người làm kế toán; tổ chức tập huấn cập nhật các quy định của pháp luật kế toán.

4. Các kiến nghị, đề xuất có liên quan.

Đây là các nội dung rất quan trọng, trên cơ sở các thông tin thực tế, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để xác định phạm vi và hoàn thiện các quy định của pháp luật kế toán phù hợp với yêu cầu quản lý, chủ trương tinh gọn bộ máy, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và thực tế hiện nay.

Nhàn Phan