(Ảnh minh họa)

Theo đó, việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 bao gồm các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu về dinh dưỡng mà ngành y tế đặt ra đến năm 2025.

Kế hoạch xác định 5 mục tiêu cụ thể, gồm:

1. Mục tiêu 1: Thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, người bệnh.

2. Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

3. Mục tiêu 3: Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

4. Mục tiêu 4: Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

5. Mục tiêu 5: Tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Bộ Y tế đề ra giải pháp và các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế chính sách về dinh dưỡng; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội; Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và vận động hiệu quả; Tổ chức triển khai hiệu quả các can thiệp dinh dưỡng; Triển khai các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm; Thực hiện công tác theo dõi, giám sát, đánh giá.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

Hoàng Lộc