Tỉnh Cà Mau là một trong sáu địa phương được Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng

Tham dự lớp bồi dưỡng có trên 50 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành tỉnh; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tại hội nghị, các đại biểu được trang bị kiến thức Quy định về đóng BHXH và một số lưu ý trong tổ chức thực hiện; Quy định về hưởng các chế độ BHXH và một số lưu ý trong tổ chức thực hiện; Những định hướng sửa luật BHXH, luật việc làm. 

Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng.

Sau các chuyên đề, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận làm bài tập tình huống về tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý. Trong đó, trọng tâm là các vấn đề pháp lý liên quan giúp doanh nghiệp phục hồi nhận diện, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh; các vấn đề pháp lý hướng đến tạo động lực và nền tảng cho doanh nghiệp phát triển, bứt phá.

Trên 50 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành tỉnh; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư và đại diện một số doanh nghiệp tham dự lớp bồi dưỡng.

Theo Kế hoạch số 1237/KH-HTPLLN ngày 04/4/2023 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp, trong năm 2023 sẽ tổ chức 06 hội nghị đối thoại và 06 lớp bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp năm 2023. Trong đó, 06 hội nghị đối thoại được tổ chức tại Hải Phòng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Huế, Quảng Ninh và Khánh Hòa; 06 lớp bồi dưỡng được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nằng, Hà Giang, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. 

Thông qua các hội nghị đối thoại, các lớp bồi dưỡng nhằm trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid- 19; các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, thị trường; vướng mắc về bảo hiểm xã hội; các vướng mắc trong quản trị rủi ro sau đại dịch Covid-19 và 06 lớp bồi dưỡng; xác định đúng, trúng vấn đề, bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực pháp luật cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm.

Báo cáo viên triển khai các nội dung liên quan đến việc đóng hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại doanh nghiệp .

Việc tổ chức các hội nghị đối thoại, lớp bồi dường pháp lý liên quan đến doanh nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý; trọng tâm là các vấn đề pháp lý liên quan giúp doanh nghiệp phục hồi; nhằm nhận diện, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh; tập trung vào các vấn đề pháp lý hướng đến tạo động lực và nền tảng cho doanh nghiệp phát triển, bứt phá. Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị, phản hồi từ doanh nghiệp, nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời./.

Phú Toàn