(Đường vào cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau)

Theo đó, Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung quản lý, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, điểm đáng lưu ý đó là nguyên tắc, phương thức quản lý và cơ chế chính sách.

* Nguyên tắc quản lý

- Thực hiện cơ chế quản lý một đầu mối, tránh chồng chéo gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Sở Công Thương giữ vai trò đầu mối, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

- Việc quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện được pháp luật quy định.

- Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện đầu tư, triển khai dự án và hoạt động đúng theo quy định pháp luật. Các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp gửi Sở Công Thương và các cơ quan chức năng để phối hợp trả lời theo chức năng, thẩm quyền được giao và đúng thời gian quy định.

* Phương thức quản lý

Tùy theo tính chất, trong quá trình thực hiện sẽ do cơ quan chủ trì quyết định và các cơ quan khác phối hợp giải quyết công việc.

- Đối với cơ quan chủ trì: Tổ chức cuộc họp tập trung để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan phối hợp hoặc gửi văn bản xin ý kiến đến cơ quan phối hợp. Sau khi cơ quan chủ trì triển khai lấy ý kiến, hướng dẫn, xử lý, kết luận, kiến nghị liên quan đến cụm công nghiệp thì cơ quan chủ trì gửi cho Sở Công Thương 01 (một) bản để tổng hợp thông tin và phối hợp thực hiện; tổ chức đoàn khảo sát, điều tra các hoạt động có liên quan đến dự án đầu tư, phát triển cụm công nghiệp.

 

 

- Đối với cơ quan phối hợp: Có trách nhiệm tham gia góp ý tại cuộc họp và chịu trách nhiệm về ý kiến góp ý. Trường hợp cơ quan phối hợp không thể tham dự cuộc họp thì gửi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan chủ trì.

Trường hợp không tổ chức họp thì cơ quan chủ trì lấy ý kiến góp ý của cơ quan phối hợp bằng văn bản; khi được lấy ý kiến, cơ quan phối hợp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị.

Trường hợp cơ quan phối hợp cần thêm thời gian để xác minh, xử lý thông tin thuộc lĩnh vực ngành quản lý thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan chủ trì được biết và thời gian xác minh, xử lý thông tin không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản thông báo cho cơ quan chủ trì.

* Về hồ sơ thủ tục đầu tư cụm công nghiệp

Bao gồm: Quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phòng cháy chữa cháy, dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, giấy phép xây dựng; quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp khi được cơ quan, đơn vị thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tham mưu có trách nhiệm gửi Sở Công Thương 01 (một) bản để phối hợp, theo dõi.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2021 và thay thế Quyết định số 49/2018/QD-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

 

Hoàng Lộc