(Ảnh minh họa, nguồn baochinhphu.vn)

Theo đó, một số nội dung và mức chi cụ thể được quy định như sau:

- Chi hỗ trợ khẩn cấp về lương thực trong khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội: Mức hỗ trợ: 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 03 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai.

- Chi hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng do thiên tai gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: Mức hỗ trợ tối thiểu: 3.600.000 đồng/người đối với người bị thương nặng do thiên tai.

- Chi hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: Mức hỗ trợ tối thiểu: 18.000.000 đồng/người cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai.

- Chi hỗ trợ chi phí làm nhà, sửa chữa nhà ở do thiên tai gây ra theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, cụ thể như sau:

+ Nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai (thiệt hại trên 70%), mức hỗ trợ tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ;

+ Nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai (thiệt hại từ 30 đến 70%), mức hỗ trợ tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ;

+ Nhà ở phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai, mức hỗ trợ tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.

- Chi hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em có cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai gây ra mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng theo khoản 1 Điều 16 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+ Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, mức 60.000 đồng/người/ngày;

+ Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng;

+ Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội. Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/01 km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá trên địa bàn tại thời điểm thuê.

- Chi hỗ trợ khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng do thiên tai theo điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, cụ thể: hỗ trợ tu sửa cơ sở y tế, trường học, nhà kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; hỗ trợ xử lý đảm bảo giao thông thông suốt cho những đoạn tuyến giao thông đường bộ quan trọng trên địa bàn bị sụt trượt, sạt lở; hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai tối đa không quá 03 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 01 công trình.

- Chi hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 13/7/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Phân bổ Quỹ phòng, chống thiên tai cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã theo điểm a và điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã giữ lại 28% số thu trên địa bàn để hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu 05%, chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ 03% và chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp xã 20%. Số tiền thu quỹ còn lại (72% số thu trên địa bàn) nộp vào tài khoản quỹ ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền. Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và các xã khu vực III được phân bổ bằng số tiền của cấp xã (trừ các xã nêu trên) được phân bổ thấp nhất;

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện giữ lại 23% số thu trên địa bàn (bao gồm cả 72% số thu của cấp xã nộp về) để chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp huyện 20% và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ 03%. Số tiền còn lại (77% số thu trên địa bàn) nộp vào tài khoản của Quỹ tỉnh.

- Chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh theo khoản 3 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP (không bao gồm chi phí hành chính phát sinh của cấp huyện, cấp xã) không vượt quá 03% tổng số thu của Quỹ cấp tỉnh.

- Đối với các nội dung chi quy định tại Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, chưa được quy định chi tiết mức chi thì các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch, Phương án thực hiện kèm theo dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo Điều 17 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, trên cơ sở thực tế và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2023 và thay thế Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau./.

Kim Kha