Ảnh minh hoạ (nguồn tạp chí quản lý nhà nước)

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao tỉnh Cà Mau, là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, luật pháp và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị gắn với yêu cầu đổi mới về tư duy, cách tiếp cận và triển khai nhiệm vụ, lấy hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Chủ động đưa các nội dung về hợp tác kinh tế như: Vận động viện trợ, tranh thủ vốn, khoa học công nghệ tiến tiến, hiện đại, tri thức, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, xuất khẩu lao động, thu hút du lịch... vào chương trình hoạt động chính của địa phương, cơ quan, đơn vị để từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị với các địa phương đã thiết lập ký kết hợp tác: Tỉnh Koh Kong - Campuchia, tỉnh Trat - Thái Lan, tỉnh Khăm Muộn - Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc, Liên đoàn Công thương tỉnh Nagasaki - Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước theo lộ trình chiến lược hội nhập quốc tế, trong đó chọn lựa các lĩnh vực địa phương có thế mạnh phù hợp với lợi thế của tỉnh để thúc đẩy hợp tác khả thi, phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tăng cường kêu gọi, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào ở nước ngoài hướng về quê hương, tích cực đóng góp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua các tầng lớp trí thức, các tổ chức hữu nghị, cộng đồng người Cà Mau ở nước ngoài. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm công tác đối ngoại chủ động hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân mở rộng hoạt động đối ngoại kinh tế; tích cực nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước, mô hình phát triển mới, tập quán kinh doanh... để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện và năng lực tài chính đầu tư ra nước ngoài. Tăng cường mở rộng quan hệ của các doanh nghiệp với đối tác các nước, giữ vững nguồn khách hàng truyền thống và tìm kiếm đối tác mới.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm bắt các thông tin dự báo tình hình về các vấn đề kinh tế thế giới và khu vực, nhất là thị trường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế của tỉnh nhằm tích cực hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Đẩy mạnh phổ biến, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng và sự gắn kết giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với địa phương các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt, ban hành văn bản tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW và Kế hoạch này phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị.

                                                                                                             Thanh Tòng