Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập, có 79 giám định viên với 13 lĩnh vực. Trong năm 2020, đã thực hiện giám định 891 vụ việc. Trong đó, lĩnh vực kỹ thuật hình sự: 459 vụ; lĩnh vực pháp y: 425 vụ; số còn lại ở các lĩnh vực tài chính - kế toán; xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường.

Trong 891 vụ việc thực hiện giám định năm 2020, có 880 vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; 11 vụ việc thực hiện theo yêu cầu của người giám định.

Nhìn chung, đội ngũ giám định viên tư pháp đều có trình độ đại học trở lên, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, pháp luật, chính trị. Về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, các giám định viên đều rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp, yêu ngành nghề, thực hiện giám định với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Công tác giám định tư pháp tại các tổ chức công lập được thực hiện đúng quy trình, không có vụ việc tồn đọng kéo dài, việc tiếp nhận và trả kết quả hầu hết đều đúng thời gian quy định, chất lượng giám định đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động tố tụng.

Đối với các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh, thực hiện giám định đảm bảo theo quy trình, quy chuẩn giám định do các Bộ, ngành chủ quản chuyên môn quy định, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào hoạt động tố tụng tại địa phương.

Các vụ việc tiếp nhận, thực hiện giám định, về cơ bản bảo đảm cơ sở khoa học, đúng pháp luật, chính xác, đạt nội dung cần giám định và trả lời kết luận giám định trước hoặc đúng thời gian quy định, không để tồn đọng kéo dài. Việc sử dụng kết luận giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, nhìn chung đã phục vụ kịp thời giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần quan trọng trong công tác xét xử của Tòa án, đảm bảo được chính xác, khách quan và đúng pháp luật./.

                Quỳnh Anh