(Tiến sĩ Phạm Quốc Sử (Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh) thực hiện triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới)

Thời gian qua, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật tỉnh Cà Mau (Báo cáo viên pháp luật), đa phần đã tích cực hoạt động, phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý Báo cáo viên pháp luật đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, bố trí thời gian hợp lý để Báo cáo viên pháp luật của đơn vị mình tham gia hoạt động. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; ngày càng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số Báo cáo viên pháp luật hoạt động chưa thường xuyên; khả năng truyền đạt chưa đáp ứng được yêu cầu; có trường hợp Báo cáo viên pháp luật từ khi được công nhận đến nay không tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc khi được mời phổ biến các văn bản pháp luật thì từ chối hoặc cử người khác báo cáo thay,... Trước thực trạng trên, ngày 27/9/2022 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6487/UBND-NC để chấn chỉnh tình trạng này và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Báo cáo viên pháp luật trong thời gian tới, theo đó có ý kiến chỉ đạo:

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh khẩn trương rà soát từng Báo cáo viên pháp luật của cơ quan, đơn vị mình. Trường hợp Báo cáo viên pháp luật đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc không có điều kiện tham gia Báo cáo viên pháp luật, tiến hành lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm hoặc công nhận Báo cáo viên pháp luật theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, gửi về Sở Tư pháp trước ngày 30/9/2022, để tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (sau thời gian này, tiếp tục thực hiện thường xuyên). Việc rà soát, đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cần ưu tiên, lựa chọn các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị, những người có kinh nghiệm, có khả năng truyền đạt, có tinh thần, trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Giao Sở Tư pháp theo dõi, rà soát, báo cáo đánh giá tính hiệu quả, chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật. Định kỳ cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật. Trường hợp, Báo cáo viên pháp luật nhiều lần từ chối khi được các cơ quan, đơn vị chức năng mời giới thiệu chuyên đề, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được phân công hoặc không tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, .... kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Đối với Báo cáo viên pháp luật tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò, nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia công tác phố biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phố biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị gắn với lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ được phân công. Thường xuyên trao dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt, đáp ứng yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Được biết trên địa bàn tỉnh hiện có 99 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tin tưởng rằng, tới đây mỗi báo viên pháp luật sẽ phát huy hết vai trò sứ mệnh là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và tạo ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách hiệu quả./.

Hứa Nguyên