Ảnh đô thị Cà Mau 

Nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo lộ trình phát triển đô thị theo tiêu chí quy định; đề xuất giải pháp nâng cao trình độ quản lý đô thị tương xứng với quy mô, tính chất của từng loại đô thị; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, phù hợp với điều kiện, khí hậu địa phương, giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh; hình thành chuỗi đô thị động lực, chuỗi đô thị ven biển kết nối với hệ thống đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị; nâng cao chất lượng sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025: Tỷ lệ đô thị hóa: 35%. Số lượng đô thị: 34 đô thị. Diện tích sàn nhà ở đô thị đạt 24m2/người vào năm 2025. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13%. Tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trung bình 7m2/người. Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 85% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% vào GRDP toàn tỉnh. Có 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch đô thị và Chương trình phát triển đô thị. Đô thị động lực: Thành phố Cà Mau: Hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại II và nâng loại đô thị lên loại I. Đô thị Sông Đốc và đô thị Năm Căn: Hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại IV và nâng loại đô thị lên loại III.Đô thị huyện lỵ (Cái Nước, Đầm Dơi, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm và Trần Văn Thời): Cơ bản đạt tiêu  chí đô thị loại IV để phát triển mạnh về dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và thủy sản. Đô thị ven biển cơ bản đạt tiêu chí loại IV, gồm: Đô thị du lịch sinh thái: Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời). Đô thị chuyên ngành dịch vụ thủy sản: Khánh Hội (huyện U Minh). Đô thị chuyên ngành năng lượng, công nghiệp thủy sản và logistics: Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).

Mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030: Tỷ lệ đô thị hóa: 45%. Số lượng đô thị: 45 đô thị. Diện tích sàn nhà ở đô thị đạt 26,5m2/người vào năm 2030. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 18%. Tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trung bình 9m2/người. Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 95% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 75% vào GRDP toàn tỉnh. Đô thị động lực: Thành phố Cà Mau: Hoàn thành các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại I. Đô thị Sông Đốc và đô thị Năm Căn: Đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại III. Phát triển đô thị huyện lỵ: Cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đô thị ven biển: Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện đô thị Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) và Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) đạt tiêu chí đô thị loại IV, kết nối tốt với các đô thị ven biển còn lại gồm: Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh) và đô thị Sông Đốc.

Giải pháp thực hiên:Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị với nhiệm vụ lập quy hoạch và quản lý, bảo vệ các khu quân sự và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh; thiết kế, sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nghiên cứu các tiềm năng, lợi thế để quy hoạch xây dựng 02 đô thị Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) đến năm 2030 trở thành các đô thị động lực, bổ sung vào hệ thống đô thị động lực của tỉnh; huy động tổng hợp các nguồn lực, khai thác hợp lý các tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng mới cơ sở hạ tầng các khu vực đô thị mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng của khu vực đô thị hiện trạng; xây dựng đề án phát triển một số đô thị hạt nhân, đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng thành phố Cà Mau trở thành trung tâm phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh; phát triển đô thị Sông Đốc trở thành đô thị ven biển sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đô thị Năm Căn mang bản sắc đặc thù sông nước và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng vai trò hậu cần cho khu kinh tế Năm Căn và là điểm dừng chân của trục thành phố Cà Mau - Đất Mũi trong các hoạt động kinh tế và du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống đô thị ven biển để phát huy thế mạnh phát triển kinh tế biển về công nghiệp thủy sản, logistics và du lịch của tỉnh và quốc gia; hoàn thiện hệ thống cảng biển Ông Đốc, Năm Căn, Hòn Khoai, Rạch Gốc và Tân Thuận nhằm khai thác tối đa lợi thế các lĩnh vực dịch vụ thủy sản, công nghiệp và logistics.

Huy động các nguồn lực tập trung ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới, các đô thị hiện hữu đảm bảo tính đồng bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) cấp tỉnh, tiến đến kết nối liên thông với khu vực và toàn quốc.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung ứng các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh. Xây dựng văn hoá và lối sống đô thị văn minh. Hoàn thiện quy hoạch không gian văn hoá đô thị đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân, chú trọng tạo dựng nhiều không gian văn hoá công cộng.

Bảo đảm quyền tự do cư trú của người dân và xoá bỏ mọi rào cản đối với dịch chuyển lao động; tạo điều kiện để lao động phi chính thức được hoà nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, có cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị. Mở rộng diện bao phủ của hệ thống an sinh xã hội tới lao động di cư. Rà soát, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học tập, dạy nghề, việc làm cho người dân bị thu hồi quyền sử dụng đất trong quá trình đô thị hoá. Thúc đẩy bình đẳng giới, có chính sách quan tâm tạo việc làm cho nữ giới tại đô thị.

Nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị các cấp. Đẩy mạnh phân cấp quản lý, phân cấp đầu tư theo hướng ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên cho chính quyền đô thị đối với việc định hướng mô hình phát triển của từng đô thị; trong phân bổ ngân sách theo hướng cần tăng tính chủ động cho chính quyền của các đô thị.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện  Chương trình này bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, bảo đảm sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 06-NQ/TW và Chương trình này bằng các hình thức phù hợp đến các tổ chức thành viên, đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện.

                                                                              Thanh Tòng