(Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 04 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất  - ảnh minh họa)

Căn cứ Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 04 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được khoanh định theo các tiêu chí như sau:

Vùng hạn chế 1: Gồm khu vực phân bố bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang tập trung; khu vực có biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500mg/l trở lên và phạm vi khu vực liền kề như sau: Không vượt quá 1.000m kể từ đường biên của bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang tập trung; Không vượt quá 1.000m kể từ đường biên mặn của các tầng chứa nước (TDS=1.500mg/l).

Vùng hạn chế 2: Gồm giếng khoan khai thác có mực nước động vượt quá mực nước động cho phép theo quy định và phạm vi của khu vực xung quanh giếng, được quy định như sau: Không vượt quá 200m đối với giếng khoan thuộc công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10m3/ngày đêm đến dưới 200m3/ngày đêm; Không vượt quá 500m đối với giếng khoan thuộc công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm; Không vượt quá 200m đối với giếng khoan thuộc công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên.

Vùng hạn chế 3: Gồm khu vực dân cư, khu công nghiệp tập trung đã được đấu nối hoặc chưa được đấu nối nhưng có điểm đấu nối liền kề với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù họp với mục đích sử dụng nước.

Vùng hạn chế hỗn hợp: Khu vực chồng lấn của các vùng hạn chế 1, 2 và 3.

Tương ứng với các vùng hạn chế được khoanh định là các biện pháp hạn chế khai thác cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Quyết địnhc 2325/QĐ-UBND, cụ thể:

Đối với Vùng hạn chế 1, gồm bãi rác, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang tập trung thì dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Đối với các khu vực liền kề thì không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác đối với các công trình hiện có, như sau:

- Trường hợp công trình không có giấy phép: Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải dừng hoạt động khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai thuộc trường hợp phải có giấy phép khai hác nước dưới đất thì được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp công trình có giấy phép: Được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và chỉ gia hạn, điều chỉnh, cấp lại đối với công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai nếu đủ điều kiện để được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Đối với Vùng hạn chế 2, không cho phép thăm dò, khai thác đê xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới. Trường hợp công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho các mục đích sử dụng gồm: cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai thuộc trường họp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất thì được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trường hợp công trình đã có giấy phép thì tạm dừng khai thác theo quy định đối với các giếng có mực nước động vượt quá mực nước động cho phép và điều chỉnh chế độ khai thác hoặc giảm lưu lượng khai thác tại giếng đó cho phù hợp.

Việc điều chỉnh các nội dung quy định đối với trường hợp công trình đã có giấy phép được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp quy định đối với trường hợp công trình không có giấy phép. Trường hợp mực nước động trong giếng đã hồi phục, không còn vượt quá mực nước động cho phép thì không thực hiện việc điều chỉnh và được tiếp tục khai thác theo giấy phép đã được cấp.

Đối vói Vùng hạn chế 3, không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới. Đối với công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất thì được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật vế tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đối với công trình đã có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và tiếp tục được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật vê tài nguyên nước.

Đối với Vùng hạn chế hỗn hợp, việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Vùng hạn chế hỗn hợp được quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng hạn chế 1, 2, 3 ở trên theo thứ tự từ vùng hạn chế 1, 2, 3.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện Quyết định. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2325/QĐ-UBND chủ động thực hiện hoặc phối hợp thực hiện, đảm bảo quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất đến được với đông đảo người dân, góp phần đưa hoạt động khai thác nước dưới đất đi vào nền nếp, phù hợp với quy định của pháp luật./.

Phú Toàn