Trong khi đó, công tác quản lý chất thải nhựa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trước thực trạng này, ngày 08/10/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND với mục tiêu tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người.

(Cà Mau phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị)

Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, phân loại các chất thải từ nhựa sử dụng một lần và bao bì, túi nilon khó phân hủy; vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định. Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh, từng bước quản lý rác thải nhựa theo hướng tiếp cận từ đầu nguồn sản xuất thủy sản tới đại dương. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng ngư dân vứt rác thải nhựa và ngư cụ bị hỏng xuống biển.

Muốn đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Trong đó, cần tổ chức đào tạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa; Các trung tâm thương mại phải có chính sách cụ thể về giảm thiểu bao bì bằng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, đồng thời tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho khách hàng tại nơi dễ nhìn thấy; Khuyến khích người tiêu dùng mang túi, bao gói khi mua sắm; hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm thiểu, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị,…; Khuyến khích chủ tàu cá hoạt động nghề đáy hàng khơi, nghề lưới kéo,... vận chuyển rác thải nhựa, ngư cụ bị hỏng vào bờ để phân loại, tái sử dụng và xử lý.

Trong công tác tuyên truyền cần đưa phong trào phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, buổi sinh hoạt tại các khu dân cư... Đồng thời, phát huy tối đa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động người dân hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích niêm yết công khai giá bán túi nilon cho khách hàng; không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường. Yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Hạn chế đầu tư mới các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy phục vụ cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Phát huy, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Đối với công tác thu gom, tái chế, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy. Tăng cường công tác phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa cho đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung; mở rộng phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã nông thôn có điều kiện hạ tầng đảm bảo cho việc thu gom, vận chuyển. Tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thủy sản, các nghiệp đoàn nghề cá tại các cảng cá bố trí dụng cụ chứa rác thải nhựa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch hợp đồng với đơn vị xử lý tái chế. Tổ chức giám sát và có giải pháp thu gom, xử lý các ngư cụ bị mất, bị vứt bỏ tại các khu bảo tồn biển (hoặc trôi dạt từ ngoài vào khu bảo tồn), khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Việc ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa cho thấy động thái tích cực, quyết liệt của tỉnh Cà Mau, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia của tổ chức, người dân bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực; từ đó làm thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường./.                                                                       

   Phú Toàn