Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng chủa tổ chức doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong tỉnh,… Ban Chỉ đạo 389 xây dựng Kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, trong đó xác định một số nội dung chủ yếu như sau:

(Kiểm tra mặt hàng vật liệu xây dựng sắt, thép - ảnh minh họa nguồn từ Cổng thông tin Cục quản lý thị trường Cà Mau)

1. Các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, kịp thời phát hiện tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu, hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm quy định của pháp luật về chất lượng, đo lường, giá,… chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoặc xác lập các phương án kiểm tra, kế hoạch kiểm tra chung để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hành vi vi phạm.

2. Tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các ngành, lực lượng chức năng giữa tỉnh và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vi phạm quy định của pháp luật về giá và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản để quản lý; xác định những tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm để có giải pháp kiển tra và xử lý, đảm bảo ổn định thị trường đối với các nhóm hàng hóa này.

4. Tập trung thanh tra, kiểm tra, xác ninh, xử lý các vấn đề phát sinh, nổi cộm mà tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân phản ánh, nhất là trước những diễn biến bất thường của thị trường về cung cầu, giá cả đối với hành vi vi phạm: mua bán thiếu số lượng, khối lượng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về chất lượng hàng hóa, về giá, hóa đơn, chứng từ trong giao dịch, mua bán,… phải kịp thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời để kiểm soát và ổn định tình hình thị trường.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập, sơ hở trong công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra và quản lý mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở và hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ các mặt hàng này.

6. Nâng cao chất lượng tham mưu, nắm bắt thông tin để dự báo chính xác tình hình, xử lý chính xác các vấn đề nổi cộm phát sinh; tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề mà tổ chức, doanh nghiệp, người dân phản ánh, không để tình trạng vi phạm kéo dài, tiếp diễn. Tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để tham mưu về chủ trương, giải pháp quản lý và kiểm soát thị trường đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Rút ra các bài học trong thanh tra, kiểm tra quản lý đối với các mặt hàng này trong thời gian tới.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thực chấp hành pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch này. Thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng trước ngày 20 hàng tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu); báo cáo tổng kết kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trước ngày 20 tháng 01 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến ngày 26 tháng 12 năm 2022.

Trung Đông