Cải cách thủ tục hành chính trở thành khâu đột phá với nhiều cách làm mới, sáng tạo hầu hết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được giải quyết đúng và sớm so với quy định; tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được tinh gọn, phù hợp; chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên; nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế tài chính, quy trình xử lý công việc cơ bản thông suốt, nhanh gọn, từ đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp có chuyển biến tốt.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số mục tiêu cải cách hành chính chưa hoàn thành, chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan, đơn vị chưa cao, tiến độ tham mưu còn chậm; vẫn còn trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn, người dân phải đi lại nhiều lần; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị chưa sâu, rộng. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số cải cách thủ tục hành chính giảm, tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân nhân của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Để cải cách hành chính thật sự trở thành khâu đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh uỷ ban hành kết luận chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác cải cách hành chính; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tiên phong đi đầu trong công tác cải cách hành chính; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, xem đây là nhân tố giữ vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị.

Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức các cấp; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.

Thực hiện tốt công tác đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.

Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt công chức, viên chức; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức các cấp bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; có giải pháp xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu công việc, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các cá nhân hoàn thành tốt công việc và có cống hiến cho tập thể cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt, chủ động, tư duy nhạy bén về tính tất yếu của chuyển đổi số. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình đề ra; hướng đến đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống sang điện tử và dựa trên dữ liệu số.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền cải cách hành chính bằng nhiều hình thức phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội với các cơ quan hành chính, nhất là giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá Chỉ số cải cách hành chính hằng năm của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

                                                               Thanh Tòng