(Ảnh minh họa)

Theo đó, Quyết định giải thích rõ MOOCs (viết tắt của Massive Open Online Course) là các khóa học trực tuyến mở đại trà. Khóa học (Course) trực tuyến (Online) hướng tới số lượng người tham gia lớn trên phạm vi rộng (Massive) và được truy cập miễn phí qua mạng internet (Open). Các khóa học này được lưu trữ trên các Nền tảng giáo dục trực tuyến.

Nền tảng Khóa học trực tuyến mở đại trà (Nền tảng MOOCs) là hệ thống thông tin cho phép học viên ở những vị trí địa lý khác nhau cùng tham gia các khóa học trực tuyến thông qua mạng internet, giảng viên có thể đăng tải, biên tập các tài liệu, tư liệu, bài giảng, video được tổ chức thành nhiều chủ đề và cấp độ khác nhau để học viên khai thác. Học viên có thể tham gia một lớp học duy nhất để nghiên cứu sâu về một chủ đề cụ thể hoặc tham gia một chuỗi các khóa học để có được kiến thức toàn diện về một lĩnh vực nghiên cứu với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nền tảng MOOCs có sự hỗ trợ của mạng xã hội, giúp tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên. Nền tảng MOOCs hầu như không có sự giới hạn về điều kiện tham dự cũng như phí đăng ký học.

Mục đích của ban hành Yêu cầu cơ bản trên là để hướng dẫn việc xây dựng, đánh giá, lựa chọn Nền tảng MOOCs thuộc Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, triển khai Nền tảng MOOCs chủ động xem xét, áp dụng.

10 yêu cầu chung mà Quyết định đã đặt ra gồm: (1) Đảm bảo không vi phạm các quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009 (2) Đảm bảo tính mở của khóa học: Cho phép truy cập khóa học miễn phí, bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể truy cập (3) Đáp ứng số lượng lớn học viên (4) Dễ dàng tìm thấy khóa học: Người sử dụng dễ dàng tìm được khóa học sau tối đa 03 lần bấm chuột từ trang chủ của website; dễ dàng tìm được khóa học bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến (5) Khóa học có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể (6) Sẵn sàng hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 (7) Hỗ trợ tổ chức các khóa học đáp ứng đầy đủ nội dung và nghiệp vụ đào tạo (8) Có thể được xem xét, chứng nhận hoàn thành khóa học tương đương với một khóa học tổ chức theo kiểu truyền thống (9) Tuân thủ các quy định về chuẩn nội dung web theo Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (10) Nền tảng phải phù hợp với Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng và Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định về quản lý về tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Qua đó, Quyết định cũng đưa ra yêu cầu cụ thể về chức năng, hiệu năng, an toàn thông tin mạng, tính năng kỹ thuật, tài liệu, bài giảng điện tử và mô tả chi tiết các yêu cầu.

Các yêu cầu trên là các yêu cầu cơ bản, ở mức tối thiểu đối với Nền tảng MOOCs. Các tổ chức, cá nhân căn cứ điều kiện thực tế và các nhu cầu đặc thù có thể xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc mở rộng các yêu cầu phù hợp.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/6/2022./.

Kim Kha