Ảnh: hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bồi thường của nhà nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Hoàng Lộc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh:

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã xác định rõ: Bồi thường Nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; là một bước hoàn thiện về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hoạt động của bộ máy nhà nước, nền công vụ cũng như trách nhiệm của Nhà nước trước công dân.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có nhiều quy định liên quan đến bảo vệ quyền con người trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, trong đó, chủ yếu và quan trọng nhất là các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thiệt hại được bồi thường, cách thức yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

Trong những năm qua, công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được kết quả khá tốt như: Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã tích cực tổ chức quán triệt thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhận thức về công tác bồi thường nhà nước đã được nâng lên; tinh thần trách nhiệm đối với công việc, nhất là việc đảm bảo các quy trình, trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngày càng được coi trọng. Đồng thời, công tác rà soát, tự kiểm tra đã được các đơn vị thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, hạn chế các sai sót, vi phạm có nguy cơ dẫn đến trách nhiệm bồi thường, góp phần khẳng định trách nhiệm của Nhà nước đối với Nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của công chức, viên chức các cơ quan nhà nước và đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Qua đó, tạo sự chuyển biến đáng kể của các cơ quan nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước, thay vì coi công tác bồi thường nhà nước chỉ mang tính sự vụ, các cơ quan giải quyết bồi thường chỉ thực hiện khi phát sinh vụ việc thì nay đã xác định phương châm ưu tiên mục tiêu phòng ngừa, qua đó, xác định tính lâu dài, hệ thống và bài bản hơn trong tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh phát sinh 10 vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước (02 vụ việc trong hoạt đông quản lý hành chính; 08 vụ việc trong tố tụng). Trong đó, có 04 vụ việc thương lượng thành; 05 vụ việc thương lượng không thành (đã khởi kiện ra Tòa án); 01 vụ việc đình chỉ.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn một số khó khăn, như: chưa có công chức chuyên trách làm công tác giải quyết bồi thường mà phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác; đa số công chức phụ trách công tác bồi thường Nhà nước ở các sở, ngành, địa phương chưa có kinh nghiệm nên còn lúng túng, gặp không ít khó khăn trong công tác tham mưu. Nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường rất đa dạng, có tính chuyên sâu, phức tạp nhưng nghiệp vụ của cán bộ, công chức phụ trách công tác này còn hạn chế, đòi hỏi cần phải tập huấn chuyên sâu nghiệp công tác bồi thường của nhà nước.

Hội nghị được đồng chí Lê Thái Phương – Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp trực tiếp báo cáo các chuyên đề về: Kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường; kỹ năng nghiệp vụ thực hiện trách nhiệm hoàn trả; kỹ năng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước và nghiệp vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường Nhà nước. Đồng thời, cùng các đại biểu trao đổi, thảo luận và giải đáp một số khó khăn, vướng mắc, xử lý những tình huống phát sinh trong thực tế… Qua đó, giúp cho cán bộ, công chức phụ trách công tác bồi thường Nhà nước ở các sở, ngành, địa phương nắm rõ và tham mưu có hiệu quả công tác bồi thường Nhà nước trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Hoàng Lộc đề nghị: Các đại biểu tập trung lắng nghe và tiếp thu các nội dung mà Báo cáo viên của Bộ Tư pháp trình bày; tham gia thảo luận, nêu những thắc mắc, những vấn đề cần làm rõ để được giải đáp… đồng thời, từ những kiến thức được lĩnh hội, cập nhật qua lớp tập huấn này, các đại biểu sẽ nghiên cứu, áp dụng và vận dụng sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công tác Bồi thường nhà nước nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

HL