Mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 -

7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong các lĩnh vực then chốt, các ngành trọng điểm nhằm tạo nền tảng ổn định, bền vững. Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy liên kết, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng hơn; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù.

Phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chú trọng lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động; chú trọng tới chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số.

Thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Uỷ ban nhân tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện thành phố Cà mau theo chức năng nhiệm vụ được giao lồng ghép, bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình tăng năng suất, chất lượng lao động có hiệu quả tại cơ quan đơn vị.

                                                Thanh Tòng