(Lực lượng chức năng kiểm tra người đi đường)

Theo đó, để tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ việc quản lý người và phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh, gắn với việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn việc thực hiện một số quy định tại mục 4 Công văn số 4751 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể tại Quyết định số 1629/QĐ-UBND. Cụ thể, mục đích của việc quản lý người và phương tiện (đường bộ, đường thủy, đường biển) hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm giãn cách, giảm thiểu tối đa người và phương tiện giao tiếp, lưu thông, góp phần thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tối thiểu, cấp bách để duy trì hoạt động cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ thiết yếu khác của xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc cấp phép, quản lý người và phương tiện hoạt động phải vừa đảm bảo mục tiêu duy trì các hoạt động tối thiểu, vừa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Các nguyên tắc, phân cấp quản lý người và phương tiện hoạt động

Chỉ cấp phép với số lượng tối thiểu, vừa đủ cho người và phương tiện di chuyển để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; cấp phép cho người ra đường thuộc trường hợp khẩn cấp.

Người ra đường phải được xét nghiệm PCR hoặc test nhanh và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, định kỳ 03 ngày/lần và phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K.

UBND cấp xã được cấp phép cho người và phương tiện hoạt động trong phạm vi nội huyện (nơi có địa bàn xã cấp phép); UBND cấp huyện được cấp phép cho người và phương tiện hoạt động trong phạm vi nội tỉnh. Giấy phép phải quy định cụ thể phạm vi, cung đường, thời gian hoạt động; người, đơn vị cấp phép phải có biện pháp quản lý người, phương tiện được cấp phép thực hiện đúng quy định của giấy phép đã cấp.

Các quy định cụ thể

Đối với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm; giống, thức ăn chăn nuôi; dụng cụ, thiết bị, thuốc, hoá chất phục vụ sản xuất; vận chuyển nông sản, thủy sản; vật tư phục vụ xây dựng công trình...): Nếu hoạt động trong phạm vi nội tỉnh thì các doanh nghiệp vận tải, đơn vị sản xuất kinh doanh phải đăng ký với UBND cấp huyện (nơi đặt trụ sở doanh nghiệp) và được Sở Giao thông vận tải cấp thẻ nhận diện (logo) hoạt động nội tỉnh. Đồng thời, người điều khiển phương tiện phải có sổ “nhật ký” để ghi cụ thể quá trình hoạt động hàng ngày như: Thời gian vận chuyển, địa điểm lên, xuống hàng hóa, người tiếp xúc (ghi cụ thể họ tên và số điện thoại của người tiếp xúc).

Hoạt động trong phạm vi nội huyện: Các doanh nghiệp vận tải, đơn vị sản xuất kinh doanh phải đăng ký và được UBND cấp xã (nơi đặt trụ sở doanh nghiệp) cấp giấy phép; đồng thời, người điều khiển phương tiện phải có sổ “nhật ký” để ghi cụ thể quá trình hoạt động hàng ngày như: Thời gian vận chuyển, địa điểm lên, xuống hàng hóa, người tiếp xúc (ghi cụ thể họ tên và số điện thoại của người tiếp xúc). Lưu ý, sau khi cấp giấy phép, UBND cấp xã phải tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện; giao UBND cấp huyện quy định chế độ báo cáo để quản lý, điều tiết việc cấp phép.

Đối với hoạt động đi lại của người mua giống, vật tư, thuốc, hóa chất, thiết bị phục vụ sản xuất và thực hiện sản xuất (thu hoạch lúa, tôm...) và thi công các công trình được cho phép thi công: Phạm vi trong tỉnh do UBND cấp huyện cấp giấy đi đường; phạm vi trong huyện do UBND cấp xã cấp giấy đi đường.

Đối với hoạt động thu hoạch tôm công nghiệp, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản (đang sản xuất 03 tại chỗ), chọn lựa, hướng dẫn một số (không quá nhiều) đại lý thu mua có tổ chức lực lượng lao động chuyên thu hoạch tôm, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, đăng ký với chính quyền địa phương để cấp phép hoạt động; thường xuyên cập nhật, thông tin giá cả, tránh tình trạng người dân bị ép giá do thiếu thông tin.

Đối với thu hoạch lúa hè thu, giao UBND các huyện, thành phố Cà Mau kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch đối với người và phương tiện, đặc biệt là người và phương tiện tỉnh ngoài đến thu hoạch lúa; kịp thời có biện pháp hỗ trợ người dân trong thu hoạch, nhất là tình huống mưa lớn, kéo dài gây khó khăn.

Đối với các công trình xây dựng: Giao Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, thi công công trình thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ đối với các công trình tạm dừng thi công, cấp giấy đi đường cho công nhân, cán bộ kỹ thuật đối với các công trình khẩn cấp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và các trường hợp nhà thầu có nhu cầu, sắp xếp cho công nhân nghỉ, bảo vệ công trường, vận chuyển trang thiết bị để tạm dừng công trình. Giao Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo việc cấp phép về UBND tỉnh trước 15 giờ hàng ngày.

Đối với các hoạt động đi lại của người và phương tiện ngoài các mục đích trên, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã căn cứ mục tiêu, các nguyên tắc, quy định phân cấp nói trên để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm quản lý đối với người và phương tiện do mình cấp phép./.

Thành Đạt