(Kế hoạch đề ra phát triển mới 80 Tổ hợp tác, đạt bình quân 01 Tổ hợp tác/xã - Ảnh minh họa nguồn báo điện tử Chính phủ)

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù họp với điều kiện của từng địa phương; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Mở rộng các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã về quy mô và tăng cường liên kết với các thành phần kinh tế khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế chung, bền vững, góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo động lực xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tập trung củng cố, kiện toàn các hợp tác xã đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay đổi quy trình canh tác theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phấm gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Thực hiện có hiệu quả chương trình khỏi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các Chương trình khác do Trung ương và của tỉnh ban hành.

Phát triển mới 80 Tổ hợp tác, đạt bình quân 01 Tổ hợp tác/xã; 20 hợp tác xã, với khoảng 500 thành viên. Thu nhập bình quân của người lao động và thành viên trong các hợp tác xã trên 50 triệu đồng. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 1.000 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ cán bộ chủ chốt hợp tác xã đã qua đào tạo khoảng 20%; trên 90% cán bộ chủ chốt hợp tác xã được bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức về hợp tác xã và các chính sách pháp luật có liên quan kinh tế tập thể. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 20% trở lên.

Mở 50 lóp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tập thể và 30 lớp truyền nghề (kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt) và in 5.000 cuốn sổ tay (Cẩm nang hướng dẫn về hoạt động Tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã); tổ chức 01 cuộc hội thảo, tọa đàm về chính sách hợp tác xã và các văn bản có liên quan. Hỗ trợ 10 hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại thường niên do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Tiếp tục quán triệt cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan điểm về định hướng phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên sang, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã, phát động phong trào thi đua trong các hợp tác xã.

Tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã: mở 50 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tập thể, và 30 lớp truyền nghề (kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt): đối tượng là người nông dân nhằm tuyên truyền làm rõ sự cần thiết phải hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp, tính tất yếu phải tham gia hợp tác xã, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Bố trí cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm và am hiểu về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát huy vai trò và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các cấp; tăng cường mối liên hệ giữa Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện để phát huy vai trò và hiệu quả chỉ đạo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hợp tác xã không tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; giải thể các hợp tác xã không hoạt và các hợp tác xã hoạt động không đúng bản chất. Hướng dẫn tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp….

                                                                      Thanh Tòng