(Ảnh minh họa)

Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, xã hội cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ, ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2019/TT-LĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động vì trẻ em phù hợp, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau xây dựng Kế hoạch và triến khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn từng đơn vị.

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Thời gian từ ngày 01/6/2022 đến ngày 30/6/2022.

 Các ngành, các cấp trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích; phòng, chống đuối nước cho trẻ em; thường xuyên rà soát, kiếm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã…

Tổ chức chiến dịch truyền thông để tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em; đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình; các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương.

Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù họp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.

Xây dựng kế hoạch thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6). Tổ chức Diễn đàn trẻ em, chương trình tọa đàm, các hoạt động trải nghiệm,... để các em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em đặc biệt là trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diên biên hoạt động tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn. Kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em; việc sử dụng lao động trẻ em và có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại trường học, xây dựng các công trình, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

                                                                         Bài: Thanh Tòng

Ảnh nguồn từ www.chinhphu.vn