Ảnh minh họa 

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức để tạo ra sự phát triển đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất, chế biến, cung cấp sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chất lượng, sạch, sinh thái, an toàn, giá trị kinh tế cao gắn với thị trường dựa trên lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là khu vực đảm bảo cuộc sống, sự phát triển của hầu hết người dân Cà Mau; sản xuất phải đáp ứng yêu cầu thị trường, thị trường xuất khẩu là mục tiêu trọng tâm các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Tiếp tục khẳng định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; tôm, cua, lúa, chuối, gỗ là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh phải dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; cơ cấu kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 28,7% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1.300 triệu USD; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha diện tích tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha; chăn nuôi gia súc tập trung đạt 200 ngàn con/năm (phát triển tổng đàn đáp ứng đủ nhu cầu thịt heo tiêu thụ trong tỉnh).

Đến năm 2030: Giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. Sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cơ bản đạt trình độ hiện đại, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương với bình quân của cả nước.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, lợi ích của nông nghiệp bền vững mang lại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và bảo đảm quốc phòng, an ninh; nhận thức thực hiện mục tiêu phát triển "Nông nghiệp sinh thái, bền vững; nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập; khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn theo 03 vùng sinh thái:

-       Vùng Bắc Cà Mau: Tổ chức sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn ở vùng có đê bao khép kín giữ ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời, đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất các đối tượng có lợi thế cạnh tranh huyện U Minh. Chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang lúa - tôm (khoảng 5.000 ha) và khôi phục diện tích lúa - tôm ở những nơi đủ điều kiện, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng vùng nguyên liệu lúa sinh thái, hữu cơ ở huyện Thới Bình. Tập trung chuyển đổi trồng rừng thâm canh gỗ lớn ở khu vực U Minh Hạ. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung ở huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tổ chức khai thác lợi thế du lịch trên hệ sinh thái rừng tràm, du lịch nông thôn sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử.

-      Vùng Nam Cà Mau: Mở rộng phát triển sản xuất tôm lúa và tôm quảng canh cải tiến. Đa dạng đối tượng nuôi thủy sản để tận dụng lợi thế của vùng kết hợp với du lịch sinh thái. Phát triển mạnh nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh gắn với đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học; kết hợp sản xuất lâm nghiệp với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái; tận dụng diện tích mặt nước, ao, hồ, kênh rạch ở những nơi có điều kiện để phát triển nuôi các loài thủy sản.

-      Vùng ven biển: Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, chủ lực là tôm, cua. Đẩy mạnh nuôi ven biển, trên bãi bồi với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (như: hàu, nghêu, sò huyết...), nuôi cá lồng bè ven đảo. Quy hoạch nuôi biển gắn với các công trình điện gió khai thác tối ưu nguồn lực đầu tư. Phát triển mô hình rừng tôm sinh thái kết hợp với dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Triển khai thực hiện các dự án, công trình thích ứng biến đổi khí hậu, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, đầu tư hồ chứa nước ngọt và tận dụng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang để điều tiết mặn, ngọt. Đầu tư xây dựng trung tâm đầu mối thủy sản tại tỉnh giữ vai trò trung tâm điều phối chuyên ngành thủy sản kết nối hệ thống bến cảng, chợ giao dịch thủy sản với khu phức hợp nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản và dịch vụ nghề cá. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư cải tiến công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần xuất khẩu nông sản thô; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có lộ trình cụ thể sắp xếp nhà máy chế biến thủy sản vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đảm bảo theo quy hoạch.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất thông qua nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể của nông dân từ các khâu cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Nâng cấp mô hình chuỗi thành dự án chuỗi hợp tác, vùng liên kết, tiểu vùng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với sự tham gia của doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP.

 Thu hút đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các chợ nông sản thực phẩm, hệ thống các kênh liên kết tiêu thụ nông sản. Điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường. Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác kiểm soát chất lượng hàng nông sản, thị trường nông sản.

Triển khai có hiệu quả các chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu đề xuất thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng để thực hiện các dự án xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; có cơ chế chính sách khuyến khích các mô hình đầu tư theo các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất. Tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư hiện đại hóa các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy hải sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm đầu mối của tỉnh. Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch ưu tiên thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ triển khai, quán triệt Chương trình này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

 

                                                                                         Thanh Tòng