(Ảnh minh họa)

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, địa phương, chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng những khó khăn, vướng mắc: Một số văn bản pháp lý liên quan đến đất đai chưa thống nhất; nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời; đơn giá bồi thường, hỗ trợ chậm điều chỉnh, chưa phù hợp với tình hình thực tế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nơi gặp không ít khó khăn do sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, so sánh về chính sách và giá đền bù,... Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa quyết tâm, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Đồng chí nêu một số quan điểm tập trung chỉ đạo:

1. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành các cấp, nhất là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Vận động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công trình, dự án một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

2. Chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo; quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; linh hoạt trong xử lý tình huống, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thật sự "an dân”, không vì yêu cầu của dự án mà làm cho người dân khó khăn hơn; luôn đảm bảo cuộc sống của người dân từ bằng đến tốt hơn trước khi dự án được triển khai. Bảo đảm điều kiện để người dân tái định cư, ổn định chỗ ở và đời sống; đối với các hộ dân không đủ điều kiện tái định cư, nhưng chỉ có chỗ ở duy nhất của gia đình thì tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân được mua đất ở với giá hợp lý của dự án. Quan tâm hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan rà soát lại quy trình, quy định trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, nhất là quy trình, quy định xác định giá đất cụ thể. Phân công đồng chí lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng chuyên viên thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách về lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để theo dõi, giám sát, hỗ trợ các huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, không để đơn vị thi công chờ mặt bằng.

4. Đối với các địa phương có khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, Cái Nước,...), đề nghị thành lập tổ công tác do đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phụ trách, trực tiếp chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra hồ sơ do đơn vị tư vấn lập, đồng thời trực tiếp kiểm tra thực tế từng hộ dân, nhất là đối với các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng; phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đối thoại với người dân để giải thích, tuyên truyền, vận động người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án được thấu hiểu và đồng thuận; xem xét thực tế để điều chỉnh những điểm sai sót, chưa phù hợp trong phương án giải phóng mặt bằng được duyệt để dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, đảm bảo mặt bằng được liên tục, đủ điều kiện bàn giao cho nhà thầu thi công.

Công bố quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với dự án công trình cụ thể:

1. Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 3 năm 2022. Phối hợp với ngành điện khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật truyền tải điện trung thế tại điểm giao cầu kênh Bạc Liêu - Cà Mau và các điểm khác bắt buộc phải di dời theo tuyến xây dựng của Dự án. Giao Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chậm nhất đến 15/3/2022 bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

2. Dự án xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào. Giao Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cơ bản dứt điểm trong tháng 02 năm 2022 để bàn giao mặt bằng thi công Dự án thành phần xây dựng cầu sông Ông Đốc. Giao Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chậm nhất đến 15/3/2022 bàn giao mặt bằng thi công Dự án thành phần tuyến trục Đông Tây. Giao Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng triển khai thi công Dự án thành phần xây dựng cầu Gành Hào.

3. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường. Giao Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng trong tháng 02 năm 2022 cho đơn vị thi công.

4. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh (đoạn từ ngã tư Vòng Xoay đến Vàm Xáng Cái Ngay). Giao Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn kiểm tra toàn bộ hồ sơ, quy trình, thủ tục đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc không được ép dân, nhưng không được lợi dụng công trình để nâng giá bồi thường đất tại khu vực dự án; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Báo cáo kết quả chậm nhất ngày 28/02/2022.

5. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ bến phà xã Hiệp Tùng - Lâm Trường 184 đến bến phà xã Tam Giang, đấu nối đường ô tô đến trung tâm xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư), Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy mô mặt đường từ 3,0m lên 4,5m (gia cố lề đường bằng đất mỗi bên 1m), trong đó có bố trí điểm tránh xe ở từng vị trí phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời nghiên cứu, khảo sát, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng cầu qua sông Cái Ngay, nối xã Hiệp Tùng và xã Tam Giang, huyện Năm Căn.

6. Khu Kinh tế Năm Căn và khu tái định cư của Khu kinh tế Năm Căn. Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế nghiên cứu, đề xuất phương án chống ngập để bổ sung vào quy hoạch chung của địa phương; đồng thời, quản lý chặt chẽ Quy hoạch Khu kinh tế Năm Căn, tránh tình trạng mua bán, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép,... xử lý thật nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định. Khi thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2040, giao Ban Quản lý Khu kinh tế nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao (theo quy hoạch hiện nay là khu nuôi trồng thủy sản công nghiệp), tăng diện tích khu vực phục vụ công nghiệp, dịch vụ, đảm bảo phù hợp quy mô của từng khu vực.

7. Giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, khảo sát, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Cây Dương nối xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi) và xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn).

8. Về xử lý sạt lở cống Bá Huê, huyện Đầm Dơi, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 474/UBND-XD, ngày 21/01/2020 (nếu không thể thực hiện được thì phải báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời).

9. Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh định hướng chủ trương: Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khi thực hiện đầu tư xây dựng đường trục chính giao thông nông thôn, đường liên xã, yêu cầu các huyện, thành phố lập quy hoạch các tuyến chính với quy mô mặt đường tối thiểu 6m, (trước mắt có thể thực hiện 4,5m, nhưng mặt bằng đảm bảo mở rộng mặt đường tối thiểu 6m sau này); các huyện, thành phố chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường để giảm tổng mức đầu tư dự án, tỉnh sẽ đầu tư kinh phí làm đường cho địa phương khi danh mục các tuyến chính được đưa vào kế hoạch theo thứ tự ưu tiên và mặt bằng sạch. Đối với đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư nạo vét các trục chính thủy lợi phục vụ sản xuất; đối với hệ thống thủy lợi nhỏ yêu cầu các huyện, thành phố kêu gọi xã hội hóa gắn với trách nhiệm tự quản lý của người dân trong khu vực.

                                                                     Thanh Tòng