Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì tại điểm cầu Cà Mau

Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: “Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn sẽ làm sâu sắc hơn vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; Sự tương tác giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên; Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết”.

Đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Cà Mau

Với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Diễn đàn năm nay mong muốn lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện, từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn:

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu Điều phối Phiên thảo luận thứ nhất (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội).

Nội dung thứ nhất về các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ, trong đó nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, đề xuất cần xây dựng quy hoạch cụ thể, có cơ cấu điều chỉnh, phân cấp, phân quyền điều chỉnh quy hoạch hợp lý, kịp thời. Xem xét hoàn thiện thể chế, đơn giản, rút gọn thủ tục hành chính, thống nhất trình tự thực hiện đối với việc thực hiện dự án, đảm bảo công khai, minh bạch và nhanh chóng. 

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia điều phối Phiên thảo luận thứ hai (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội).

Nội dung thứ hai là về các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ, trong đó thảo luận các khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng; trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.... Mong muốn xem xét sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, nghiên cứu công tác cải cách thủ tục hành chính thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục, pháp luật Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội)

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục, pháp luật Trung ương Lê Thành Long đề nghị: “Bộ Tư pháp ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, tham mưu văn bản chỉ đạo, điều hành cho Thủ tướng Chính phủ, giao việc cho các cơ quan chủ trì các dự án Luật để xem xét, xử lý các vướng mắc, tồn tại. Các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của đại biểu tại diễn đàn, nghiên cứu, xem xét đưa vào văn bản quy phạm pháp luật một cách thỏa đáng, kịp thời, phù hợp có tính thực thi cao. Ban hành khung hành lang pháp lý cụ thể, rõ người, rõ việc, đảm bảo nghiêm minh, công bằng đối với đội ngũ thực thi công vụ. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ và chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh”. 

Phú Toàn