Quang cảnh hội nghị.

Theo thống kế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như: Nông nghiệp và thủy sản; Dịch vụ; Sản xuất công nghiệp… Thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận đất đai. Qua kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2023, tỉnh Cà Mau đã có những cải thiện nhất định về chỉ số tiếp cận đất đai, xếp hạng 19/63 tỉnh, thành; tăng 19 hạng so với trước đó và xếp vị trí thứ 7/13 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này cho thấy có sự quyết tâm trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống pháp luật, nguồn lực con người, kinh phí. Các doanh nghiệp chưa tập trung cho vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tính chất pháp lý; chưa tập trung sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả, phạm vi tác động đến doanh nghiệp còn hạn chế.

Luật Đất đai 2024  với nhiều điểm mới sẽ có nhiều tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kịp thời tiếp cận với các quy định mới Luật Đất đai 2024 để hạn chế rủi ro, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh…; đồng thời giúp cho lực lượng tư vấn viên pháp luật và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: “Được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp để Cà Mau tổ chức Hội nghị tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, triển khai những quy định có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024 với nhiều điểm mới có tác động đến doanh nghiệp. Đây là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho lực lượng tư vấn viên pháp luật, cán bộ đầu mối và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội triển khai những điểm mới cơ bản của Luật Đất đai năm 2024 có ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Triển khai các nội dung tại Hội nghị, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: “Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Luật có nhiều điểm mới như quy hoạch sử dụng đất, ưu đãi cho nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng và thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án. Những điểm mới này sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp như quy định về việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường, áp dụng bốn phương pháp định giá, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xác định giá đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, Luật Đất đai 2024 cũng cụ thể hóa các trường hợp thu hồi đất, chỉ áp dụng cho các dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng, giúp giảm các tình huống tranh chấp, kiện tụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cũng có nhiều quy định liên quan đến các luật khác như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội triển khai những vấn đề cơ bản về pháp chế doanh nghiệp.

Ngoài được tiếp cận với những điểm mới cơ bản của Luật Đất đai năm 2024 có ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đại biểu tham dự Hội nghị còn được Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội giới thiệu, triển khai những vấn đề cơ bản về pháp chế doanh nghiệp như: các loại hình doanh nghiệp; Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (ngành nghề kinh doanh; giao kết hợp đồng...); Những chính sách cơ bản về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hiện nay.

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng, nâng cao kiến thức, ý thức pháp luật, trang bị kỹ năng ứng phó với rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó Hội nghị tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường./.

Phú Toàn