Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đặt ra từng mục tiêu cụ thể như sau: thứ nhất, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương; đồng thời, nghiên cứu bổ sung, ban hành chính sách mới, chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, gắn kết các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản phát triển bền vững từ khâu cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản đầu ra cho nông dân. Thứ hai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với các tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Thứ ba, củng cố, phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như trung gian cần thiết giữa người nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và thương mại để tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cho nông dân.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp:

Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin: Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và các chính sách về phát triển nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh được biết, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.

Phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản: Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù họp với thực tế; nhằm khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, phát triển các chuỗi giá trị, bảo đảm lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường liên kết vùng, phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ để tổ chức các hoạt động kết nối hàng năm; mở rộng kết nối với các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Bắc để trao đổi nguồn hàng và nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa được sản xuất, đa dạng nguồn hàng, giá cả phù họp, mở rộng thị phần tiêu thụ.

Tăng cường quản lý quy trình sản xuất nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn thực phẩm, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu như VietGap, GlobalGap...

Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hoạt động thương mại: Tổ chức đánh giá kết quả triển khai quy hoạch hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, đề xuất các nội dung quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn tiếp theo để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tạo cơ sở pháp lý định hướng thu hút các nguồn lực xã hội phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nói chung và phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản nói riêng.

Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia, xây dựng và thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và tại địa phương.  Tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký mã số, mã vạch, thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định trước khi đưa ra thị trường để nâng cao giá trị cạnh tranh hàng hóa.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với phát triển các điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm quà tặng truyền thống phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản: Tổ chức có hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử của tỉnh như: madeincamau.com, camau.voso.vn, camau.postmart.  Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử, cổng thông tin xuất khẩu của Bộ Công Thương

Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường: Đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động thu mua nông sản của thương nhân, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định, tranh mua, tranh bán, ép giá làm bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của các hộ nông dân./.

Phú Toàn