Đề án 407 đã xác định chủ thể truyền thông dự thảo chính sách là các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL và cơ quan thông tin, báo chí là một trong những giải pháp quan trọng được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg, tại Chỉ thị số 07-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường truyền thông chính sách, trong đó Chỉ thị khẳng định: “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.

Để công tác phối hợp này có hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tin, báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách, cụ thể như sau:

Đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL

Trên cơ sở chương trình/kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, địa phương, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL căn cứ nội dung, tính chất của dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn chủ động, kịp thời thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm;

- Chủ động cung cấp thông tin dự thảo chính sách trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tiến hành biên soạn tài liệu truyền thông để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông.

- Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách;

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo VBQPPL.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL cũng có thể chủ động đề xuất Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, qua đó phát huy vai trò của Hội đồng trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này.

Đối với các cơ quan thông tin, báo chí

Có trách nhiệm chủ động phối hợp nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương trong từng năm, để có kế hoạch truyền thông nội dung văn bản trên báo chí một cách phù hợp; cử đầu mối thường trực, chuyên sâu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao chủ trì xây dựng VBQPPL, tạo nên cầu nối thông suốt hai chiều trong quá trình phối hợp truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội.

Đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, cấp tỉnh

Mục 4 phần IV Điều 1 của Quyết định số 407/QĐ-TTg đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, cấp tỉnh trong công tác truyền thông dự thảo chính sách, cụ thể:

- Đối với Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương: Hàng năm, căn cứ chương trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ và yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án.

- Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh: Căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương; chương trình/kế hoạch xây dựng VBQPPL của địa phương và yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án tại địa phương.

* Theo Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành.

Ngọc Phạm