(Ảnh minh họa)

Theo hướng dẫn, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh của F0 đang cách ly tại nhà phải được quản lý như chất thải lây nhiễm, phân loại riêng biệt với chất thải sinh hoạt của người không nhiễm Covid-19 và thu gom theo hướng dẫn tại Công văn 922/BYT-MT ngày 27/02/2022 của Bộ Y tế.

Cụ thể, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0: thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Điểm tập kết chất thải của F0 tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp xã quy định, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải để xác định vị trí, thời gian thu gom và quy mô tiếp nhận để phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế hoạt động vào giờ cao điểm.

Đơn vị thu gom chất thải phối hợp với chính quyền cấp xã bố trí, trang bị thùng chứa chất thải của F0 có dấu hiệu cảnh báo, nhận biết theo quy định của Bộ Y tế để phân biệt với thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết; đảm bảo cứng, vững, có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài trong quá trình lưu giữ, vận chuyển và đặt tại nơi cao ráo, không ngập nước.

Tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương (khối lượng chất thải, trang thiết bị, nhân lực thực hiện), đơn vị thu gom chất thải phối hợp với chính quyền cấp xã để quy định tần suất thu gom phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Về vận chuyển chất thải của F0 điều trị tại nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị đang thực hiện thu gom chất thải sinh hoạt và các lực lượng khác tại địa phương (Tổ Covid cộng đồng, các tổ chức đoàn thể tại địa phương,...) để bố trí phương tiện phù hợp để thu gom riêng chất thải y tế lây nhiễm với chất thải sinh hoạt.

Tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom chất thải của F0 tại các điểm tập kết về cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm theo quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế của địa phương.

Người tham gia vận chuyển chất thải phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện theo đúng hành trình vận chuyển, khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần vận chuyển và các quy định khác về phòng, chống dịch bệnh.

Chính quyền cấp xã lập Sổ giao nhận chất thải y tế với đơn vị thu gom, xử lý để theo dõi, thống kê khi chuyển giao chất thải y tế lây nhiễm.

Về xử lý chất thải, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều tiết việc xử lý chất thải F0 tại các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Việc xử lý chất thải F0 phải đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan tại địa phương chủ động giám sát, điều tiết, lựa chọn phương án phù hợp trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh đáp ứng theo từng cấp độ dịch Covid-19; đảm bảo kinh phí thực hiện quản lý chất thải; huy động tối đa nguồn lực của các cơ sở được phép xử lý chất thải và sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan./.

Bài: Hứa Nguyên

Ảnh: www.camau.gov.vn