(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

Theo đó Hàng hóa lưu thông trên thị trường được hiểu : hàng hóa được vận chuyển, trưng bày, khuyến mại, tiếp thị và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử), trừ hàng hóa đang được vận chuyển từ cửa khẩu về kho lưu giữ hàng hóa của người nhập khẩu hoặc đang lưu giữ tại kho lưu giữ hàng hóa của người nhập khẩu, chờ kiểm tra thông quan.

1. Về nội dung kiểm tra: 

-  Kiểm tra thông tin hàng hóa: Kiểm tra nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo mà quy định buộc phải có; Kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo quy định; Kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định;

- Kiểm tra chất lượng hàng hóa: Kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo; Kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá;

- Trong quá trình kiểm tra, trường hợp hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu theo quy định.

- Đối với hàng hóa kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định trên, Đoàn kiểm tra tiến hành so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang thông tin điện tử với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.

2. Có 2 hình thức kiểm tra:

Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

- Kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

3. Về trình tự kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường:

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo 05 bước sau: (1) Công bố Quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. (2) Tiến hành kiểm tra theo các nội dung kiểm tra nêu trên; (3) Lập biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, Trưởng Đoàn kiểm tra. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là chính quyền cấp xã) hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Trường hợp Đoàn kiểm tra có lấy mẫu hàng hóa thì phải thực hiện đúng theo quy định lấy mẫu và xử lý mẫu hàng hóa thử nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa; (4) Xử lý, kiến nghị;  (5) Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.

- Đối với kểm soát viên chất lượng tiến hành kiểm tra độc lập, đột xuất theo các bước sau đây: (1) Công bố Quyết định kiểm tra được người có thẩm quyền ban hành, xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra; (2) Tiến hành kiểm tra; (3) Lập biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, kiểm soát viên chất lượng. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì kiểm soát viên chất lượng phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của kiểm soát viên chất lượng vẫn có giá trị pháp lý; (4) Xử lý, kiến nghị; (5) Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.

- Trường hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử, cơ quan chủ trì kiểm tra xác định hoặc xác minh (tên, địa chỉ) người bán hàng trước khi kiểm tra.Trình tự kiểm tra thực hiện như trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 3 năm 2024./.

Hứa Nguyên