(Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện TGPL giữa Sở Tư pháp và TAND tỉnh tăng cường mối quan hệ phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao)

Nhằm mục đích ôn lại truyền thống 25 năm hình thành, phát triển của hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý Việt Nam. Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; 04 năm thi hành Thông tư liên tịch số 10.

Đội ngũ cán bộ TGPL, cộng tác viên TGPL không ngừng đổi mới nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý

Theo đó, qua 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và Thông tư liên tịch số 10 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Võ Thanh Tòng nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực, khả thi. Điểm nổi bất nhất là sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trong chỉ đạo điều hành, đổi mới công tác truyền thông, chất lượng phối hợp hoạt động TGPL giữa ngành tư pháp với các đơn vị khá đồng bộ, nhịp nhàng, đặc biệt là công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương với Sở Tư pháp... Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ TGPL, cộng tác viên TGPL không ngừng đổi mới về số lượng và chất lượng hoạt động, đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ ngày càng sâu rộng.

Có được những kết quả tích cực trên, là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của TAND tỉnh và TAND các cấp trên nhiều lĩnh vực công tác tư pháp”.

Tại Hội nghị, các ý kiến của các đại biểu vừa được trình bài đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp khá hay. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Võ Thanh Tòng đề nghị lãnh đạo Trung tâm TGPL cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Tạo niềm tin của người dân vào công lý

Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, ngành Tư pháp ngày càng nhận được quan tâm, phối hợp thực hiện chặt chẽ, đạt những kết quả tích cực, nổi bật như: TAND các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Thực hiện Nghị quyết số 33 và Thông tư liên tịch số 05 quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức thi hành phiên tòa trực tuyến, trong đó quy định điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước phối hợp với TAND bố trí, tạo cơ sở pháp lý cho Trung tâm TGPL kịp thời tham gia các phiên tòa trực tuyến, đáp ứng xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

“Trong hoạt động của mình, Tòa án đã tạo điều kiện cho người dân sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, làm cho các vụ án được xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, tạo niềm tin của người dân vào công lý.

(Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thanh Tòng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng các cá nhân về thành tích xuất sắc trong tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý)

Đặc biệt, việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh về người thực hiện trợ giúp pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp người dân thêm một kênh tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý để hiện thực hóa quyền trợ giúp pháp lý của mình đã được pháp luật quy định; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý” - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Võ Thanh Tòng cho biết.

Thông qua chương trình này, các hoạt động trợ giúp pháp lý, sẽ góp phần nâng cao dân trí về pháp luật cho nhân dân. So với mặt bằng chung, trình độ dân trí về pháp luật của chúng ta còn hạn chế, cho nên mỗi lần trợ giúp pháp lý được xem như là chương trình giáo dục pháp luật cho mỗi người dân. Đồng thời, hoạt động trợ giúp pháp lý được đảm bảo cũng góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, các thẩm phán thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý để lắng nghe các ý kiến phản biện của người dân...

 

Trọng Nghĩa