- Thứ nhất: Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) quy định: Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp công an xã đều phải thực hiện như vậy mà tùy từng trường hợp cụ thể công an xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc phải báo cáo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất để cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp nhận nguồn tin, xử lý theo quy định. Trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Như vậy, quy định mới đã cho phép công an xã được tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như công an phường, thị trấn, Đồn Công an.

- Thứ hai: Tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi hết thời hạn theo quy định như sau:

Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết trường hợp tạm đình chỉ nêu trên.

Trước đây, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:

- Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

- Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

- Thứ ba: Luật cũng bổ sung căn cứ “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” vào khoản 1 Điều 148 để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vào khoản 1 Điều 229 để tạm đình chỉ điều tra; vào khoản 1 Điều 247 để tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố. Cụ thể, bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148: Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229: Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra và bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247: Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố. Việc sửa đổi, bổ sung những điều, khoản nêu trên đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; hạn chế xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội...

Để đảm bảo việc áp dụng các căn cứ “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” trong giai đoạn xử lý vụ án được chặt chẽ, thống nhất, tránh lạm dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định giao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành thông tư liên tịch để quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”; quy định trách nhiệm chặt chẽ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi quyết định áp dụng căn cứ tạm đình chỉ trên...

- Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”.

- Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 như sau:

“8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.”.

 

                                                                           Lê Đồng