Các ngành chức năng của thành phố đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức, trình tự áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp XLVPHC; góp phần tích cực vào việc giữ gìn trật tự, kỷ cương quản lý hành chính trên địa bàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với hành vi vi phạm hành chính.

Theo báo cáo, ở lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong năm 2021, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 341/355 trường hợp (giảm 14 trường hợp so với năm 2020); đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 138/263 trường hợp (giảm 125 trường hợp so với năm 2020). Các vụ việc vi phạm cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định. Năm 2021, đã phát hiện XLVPHC 5.400 vụ, 6.174 đối tượng. Trong đó, phạt cảnh cáo 21 trường hợp, phạt tiền 6.153 trường hợp với tổng số tiền 14.931.675.000 đồng.

Trong lĩnh vực Đất đai và Xây dựng, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện, xử lý 136 vụ, ra quyết định xử phạt 136 trường hợp (tăng 18 trường hợp so với năm 2020) với tổng số tiền: 2.150.000.000 đồng.

Qua kết quả xử lý vi phạm hành chính cho thấy, mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo thực hiện kiên quyết, đề ra nhiều giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về XLVPHC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn có không ít những khó khăn, bất cập nhất là kinh phí bố trí cho công tác xử lý vi phạm hành chính còn hạn hẹp, điều kiện đảm bảo cho cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đáp ứng được với yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của một số ít công dân vẫn còn thấp, mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được triển khai thực hiện thường xuyên. Việc thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng tiền còn gặp nhiều khó khăn, do một số đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt, vì không có điều kiện về kinh tế để nộp phạt, cố tình trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ phải thi hành…

Mặt khác, quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên việc nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (đặc biệt trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính) còn khó khăn, lúng túng.

Bên cạnh đó, việc giao biên bản vi phạm hành chính và giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt chưa thể hiện ở hồ sơ xử phạt cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn trong việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như:

- Đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn theo quy định nhưng người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và các bộ phận liên quan chưa tích cực đôn đốc hoặc có các biện pháp thích hợp để tổ chức thi hành quyết định.

- Chưa thực hiện việc cưỡng chế buộc chấp hành quyết định xử phạt theo quy định đối với người bị xử phạt có tình không chấp hành việc nộp phạt mặc dù người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và các bộ phận liên quan đã đôn đốc bằng văn bản.

- Việc nộp tiền phạt vào Kho bạc nhà nước: Hồ sơ xử phạt hành chính không thể hiện việc nộp số tiền phạt vào Kho bạc nhà nước theo quy định (biên lai, phiếu thu)…

Có thể thấy rằng, XLVPHC là công cụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động quản lý Nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội. Trong điều kiện thành phố Cà Mau đang vươn mình phát triển để trở thành đô thị động lực của tỉnh nhà, thì công tác XLVPHC cần phải không ngừng được nâng cao chất lượng và hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục quan tâm củng cố, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực quản lý, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn./.

Võ Văn Tươi