Trao đổi tìm ra các biện pháp nâng cao hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và cải thiện Chỉ số PCI về thiết chế pháp lý là nhiệm vụ thường xuyên của Sở Tư pháp trong năm 2021

Góp phần quan trọng vào thành quả chung của ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau không thể không kể đến công tác tham mưu kiểm tra, soạn thảo văn bản pháp quy phạm pháp luật và công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong phòng chống dịch bệnh. Trong năm 2021, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, thẩm tra, rà soát, góp ý 382 văn bản quy phạm pháp luật.

Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, nhưng được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở bộ phận chuyên đã tham mưu chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức được 8.521 hội nghị tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến và lồng ghép với 424.799 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn biên soạn, nhân bản in ấn, cấp phát 1.810.736 tài liệu, tờ rơi, tờ gấp và các loại ấn phẩm pháp luật; tổ chức 89 Hội thi với 208.304 lượt người dự; Đăng tải 10.468 tin bài tuyên truyền trên trang internet; Thực hiện 416 đề tài tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau với thời lượng 25 giờ 24 phút.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), trên cơ sở chủ đề, khẩu hiệu do Bộ Tư pháp đưa ra được Sở Tư pháp triển khai, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã treo 685 cờ, băng rôn trên các trục đường chính của thành phố Cà Mau, trung tâm các huyện; lấp đặt 36 cụm pa nô, bảng tuyên truyền pháp luật tại các trung tâm xã, cụm dân cư, chợ… Ngoài ra, tại tất cả trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn đều treo băng rôn với nội dung tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt, điểm mới của hoạt động truyền thông Ngày pháp luật năm nay là Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền bằng xe lưu động trên các tuyền đường chính của thành phố Cà Mau với tần suất 02 buổi/ngày. Tổng thời lượng tuyên truyền 480 phút.

Từ ngày ra mắt phần mềm thi tìm trực tuyến đến nay đã tổ chức 07 cuộc thi, thu hút được trên 260.000 lượt người tham dự. (Ảnh tư liệu tháng 4/2021)

Trước xu thế phát triển của công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trở thành đòi hỏi mang tính thời đại. Theo đó, trong năm 2021, Sở Tư pháp chỉ đạo xây dựng và đưa vào khai thác phần mềm thi trực tuyến tại địa chỉ (https://timhieuphapluat.camau.gov.vn/). Từ ngày 01/4/2021 đến 31/12/2021 đã tổ chức 07 cuộc thi trực tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thu hút được 260.158 lượt người dự thi. Phần mềm thi trực tuyến đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật, tạo sân chơi lành mạnh đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và hình thành thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thanh Tòng, để đạt những kết quả này, trong năm qua, Ban Giám đốc Sở luôn bám sát Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở đó, chủ động xác định từng nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch triển khai từng công việc, sát với từng thời điểm. Ông Võ Thanh Tòng cho biết thêm: “Trong điều kiện giản cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid - 19; Sở Tư pháp phát động phong trào toàn ngành thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của ngành”; chỉ đạo giảm hội, họp chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trên môi trường mạng, chuyển nhận, trả hồ sơ bằng hình thức trực tuyến, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đảm bảo giải quyết công việc thông suốt, không bị gián đoạn, đáp ứng phục vụ sự lãnh đạo điều hành của Ủy ban nhân tỉnh và phục vụ tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực Tư pháp của người dân”.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, công tác Hành chính và Bổ trợ tư pháp; Cải cách hành chính; giải quyết thủ tục hành chính; Trợ giúp pháp lý; ứng dụng cộng nghệ thông tin…trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành Tư pháp đạt được kết quả quan trọng. Kết quả đó, góp phần tích cực, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh, đảm bảo hoạt động xã hội của người dân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở xác định, năm 2022 là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và Nghị quyết lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, cả nước và tỉnh Cà Mau phải tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép “vừa tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội”; Nhiệm vụ của ngành Tư pháp là phải tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra trong năm 2022.

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai của Bộ Tư pháp; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và tình hình thực tế của tỉnh. Năm 2022 Sở Tư pháp xác định một số nhiệm vụ trong tâm sau đây:

Thứ nhất, tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên lĩnh vực tư pháp; Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng đối với công tác xây dựng thể chế phù hợp với bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” của tỉnh trong tình hình mới.

Thứ hai, tổ chức triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền mới ban hành; nhất là các Luật, Nghị định của Chính phủ; tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chặt chẽ, có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo kết quả tuyên truyền nhanh, dễ hiểu, dễ thực hiện, sâu rộng đến cán bộ và nhân dân.

Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Bổ trợ tư pháp; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong hoạt động Luật sư, Công chứng, Đấu giá tài sản; quan tâm chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thanh Tòng khẳng định: “Thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, ngành Tư pháp góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, sự đồng thuận cán bộ và Nhân dân trong tỉnh tin rằng tỉnh Cà Mau sẽ sớm khắc phục được những khó khăn và thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2022 của Đảng bộ tỉnh”./.

Phú Toàn