Nhằm đánh giá thực trạng, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ.  Ngày 14/7/2022 Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-STP về kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Quyết định số 132/QĐ-STP ngày 21/7/2022 Thành lập Đoàn kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau, do Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn. Theo đó Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 03 đơn vị cấp huyện, gồm: UBND huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình và 03 đơn vị UBND cấp xã, gồm UBND xã Hàng Vịnh huyện Năm Căn, xã Tam giang Tây huyện Ngọc Hiển và UBND xã Trí Phải huyện Thới Bình.

(Kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại huyện Thới Bình)

Qua kiểm tra các đơn vị cho thấy công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và phòng, ban, ngành huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị đã quyết tâm, nổ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ; Việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật trong cán bộ và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới; Các chủ trương, chính sách pháp luật được địa phương công khai, minh bạch kịp thời, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân được tiếp cận thông tin, đảm bảo dân chủ cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh đó các đơn vị vẫn còn một số hạn chế như: Đã qua, việc đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có lúc, có nơi vẫn còn còn chung chung, hình thức, chưa sát với tình hình thực tế; kết quả đánh giá, tự chấm điểm các Tiêu chí, Chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã, thị trấn chưa sát, thiếu cơ sở chứng minh cho các điểm số tự chấm; Công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; Sự phối hợp của các ngành liên quan có nhiệm vụ phụ trách các Tiêu chí, Chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn tình trạng khoán trắng cho Công chức Tư pháp - Hộ tịch; Các xã, thị trấn chưa xây dựng được hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả. Trong khi đó, để hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả được công nhận đòi hỏi phải đảm bảo các thủ tục, hồ sơ và các văn bản đánh giá, công nhận; Một số xã tuy có các mô hình PBGDPL đang hoạt động, nhưng thiếu không thường xuyên; thiếu đánh giá hiệu quả; chưa được quan tâm củng cố và phạm vi, nội dung hoạt động hạn hẹp; chưa mang tính quần chúng nên không thể nhân rộng để công nhận mô hình hoạt động hiệu quả. Mặc dù việc chi thù lao hòa giải cho từng vụ, việc được thực hiện tốt, nhưng đối với khoản kinh phí hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho các Tổ hòa giải vẫn còn một số địa phương thực hiện chưa đầy đủ. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý chưa được thực hiện thường xuyên, nên người dân tại một số địa bàn chưa nắm được các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý…

Tại các cuộc kiểm tra Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng đoàn đã kết luận và đề nghị các địa phương đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, cụ thể: Năm 2022, việc xây dựng, đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Để thực hiện tốt nhiệm này, ngay từ bây giờ UBND huyện cần chỉ đạo các xã tích cực triển khai, quán triệt các văn bản của Trung tương, của UBND tỉnh và của Sở Tư pháp về Tiêu chí Chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong thực hiện, địa phương cần nắm kỹ từng Tiêu chí, Chỉ tiêu, Nội dung và các Phụ lục kèm theo thì từ đó mới có thể chấm điểm sát thực tế, đánh giá, công nhận khách quan và thực chất; cần quan tâm, chỉ đạo sát sao việc đánh giá, chấm điểm, tránh tình trạng chung chung; Theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, từ năm 2022 việc đánh giá, chấm điểm các Tiêu chí bắt buộc phải kèm văn bản chứng minh. Do đó, ngay từ bây giờ lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo kiểm tra, đối chiếu với các quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư để kịp thời thực hiện cho đảm bảo hiệu quả, thực chất, khách quan; các xã, thị trấn cần rà soát lại hệ thống văn bản ban hành triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2022 đã đảm bảo đúng tiến độ chưa, thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra không, để làm căn cứ đánh giá, chấm điểm cuối năm. Về công tác trợ giúp pháp lý cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để để người dân trên địa bàn nắm, biết và thụ hưởng khi có yêu cầu nhằm đảm bảo quyền của người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 - Luật Trợ giúp pháp lý. Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng được hình thức, mô hình PBGDPL (theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP), phải đảm bảo tính hiệu quả, được duy trì thường xuyên tại cơ sở và có thể nhân rộng để làm cơ sở phục vụ nhiệm vụ duy trì xã nông thôn mới. Đặc biệt đối với những địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao phải xây dựng được 01 mô hình điển hình về PBGDPL và 01 mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả được công nhận.

Qua đợt kiểm tra vừa đánh giá thực trạng vừa giúp cơ quan, đơn vị, công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiểu thêm về các quy định của pháp luật và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngoài ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Sở Tư pháp có Kế hoạch mời Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn trong thời gian tới vào trung tuần tháng 11 năm 2022. Hiện nay Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp tỉnh tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện làm công tác này nâng cao nhận thức, kỹ năng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới./.

 

Hùng Cường