- Mục tiêu nghề luật hướng đến 

Mục tiêu nghề luật hướng đến  là bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân, giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nâng cao ý thức pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội, tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác. Mỗi chức danh tư pháp lại có những mục đích cụ thể khác nhau, vai trò giám sát phản biện, hướng dẫn thực hiện pháp luật, đưa những ý kiến pháp lý đúng luật và đạt hiệu quả cao nhất.

(Tập thể nữ ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau)

- Nghề luật hoạt động trong khuôn khổ luật định

Những người hành nghề luật luôn phải đặt hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Nghề luật là một trong những nghề có sự hạn chế cao trong hoạt động nghề nghiệp. Cụ thể là ngoài việc tuân thủ đầy đủ pháp luật chung như luật Hiến pháp luật dân sự…, luật còn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định nghiêm ngặt của pháp luật về ngành nghề mà mình tham gia.

Vì vậy những người hoạt động nghề luật phải có những phẩm chất cần thiết cho quá trình hành nghề của mình như: yêu công lý, công bằng, khách quan, trung thực…và các kĩ năng chuyên môn như khả năng phân tích,tổng hợp, khả năng đánh giá.

- Nghề luật sử dụng các quy định pháp luật làm công cụ, phương tiện để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong đời sống xã hội.

Đây là đặc điểm để phân biệt nghề luật với những nghề khác đang tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên với mỗi người hành nghề luật khác nhau, pháp luật đuợc sử dụng, áp dụng trong hoạt động nghề nghiệp ở từng góc độ khác nhau. Đối với thẩm phán, pháp luật được sử dụng để xác định tính đúng/sai của tranh chấp, có tội hay không có tội. Đối với ngành Tư pháp, pháp luật “là hành lang pháp lý” để xác định đúng, sai của quá trình trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nên đòi hỏi phải có các kỹ năng, kiến thức để áp dụng và hướng dẫn áp dụng pháp luật.

(Nữ ngành Tư pháp chụp ảnh lưu niệm cùng Đ/c Võ Thanh Tòng, Giám đốc sở Tư pháp Cà Mau)

Nỗi lòng của nữ ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau khi tham gia nghề luật

Con gái có nên theo nghề luật? Đây là vấn đề phụ nữ thường hay hỏi nhau khi còn là sinh viên, không ít lần phải làm phép thử để lựa chọn nghề nghiệp sau này và rồi không ít người đưa ra đáp án là không!. Nghề này không phù hợp với phái yếu vì sẽ chịu nhiều thua thiệt và không ít đôi lần chúng ta băn khoăn, liệu con đường mình đang đi có đúng đắn, khi người thân, bạn bè lo ngại rằng, nghề luật khô khan và ít tình cảm, nghề luật quá máy móc và ít sáng tạo, nghề luật rất ít được ai thương vì sẽ luôn phải động chạm đến những nguyên tắc, quy phạm pháp luật khô khan, nghiêm túc và thậm chí là nghiêm khắc, trong khi trái tim của người nữ luôn yếu đuối bên ngoài phải được rèn giũa, che dấu sự yếu đuối là điều không dễ. Người phụ nữ  một khi đã chọn con đường này đều phải tìm cách rèn cho trái tim mình cứng cáp dần lên, quyết liệt hơn, đấu tranh nhiều hơn và phải làm chủ được cảm xúc của mình.

(Nữ ngành Tư pháp Cà Mau dịu dàng không khô khan như các điều luật)

Những cái khó của phụ nữ khi theo nghề luật

1. Khó chọn việc: So với nam giới thì con gái học luật có ít lựa chọn nghề nghiệp hơn.

2. Khó trong tiếp khách, quan hệ: Tiếp khách, quan hệ trong nghề luật rất quan trọng. Sự đỉnh đạc, bản lĩnh của nam giới thường đem lại ưu thế hơn trong công việc nghề luật. Dĩ nhiên, phụ nữ cũng có thế mạnh của mình.

3. Khó sắp xếp việc gia đình: Khối lượng công việc lớn, đa dạng và mất khá nhiều thời gian, trí tuệ cho nên khi đã bước vào nghề luật phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp việc gia đình.

4. Khó đi công tác xa: Phải đi công tác xa là chuyện “cơm bữa” với người hành nghề luật, yếu tố này với phụ nữ nghề luật hạn chế nhiều so với nam giới.

5. Khó trong tình duyên:  Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp con gái ngành luật vào tốp “khó lấy chồng nhất” và những câu chuyện vui về tình duyên nghề luật thường được chia sẻ cho nhau ngay từ khi còn ngôi trên ghế giảng đường.

6. Khó tránh rủi ro nghề nghiệp: Nghề nào cũng có rủi ro. Nhưng nghề luật là một nghề có mức độ rủi ro cao. Nếu không có bản lĩnh, sự can trường sẽ rất khó để “giữ mình” trong môi trường luật. Dù ít hay nhiều phụ nữ làm nghề này vẫn dễ thiệt thòi hơn đàn ông.

Nhiều công việc phải ngoại giao qua bàn tiệc cũng là trở ngại không nhỏ đối với nghề nghiệp. Bên cạnh đó, có phải bổn bổn phận làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm gia đình cũng khiến họ khó có thể chủ động hoàn toàn trong công việc. Rõ ràng cũng thua thiệt so với nam giới về sự can đảm, tác phong làm việc quyết đoán. Những rủi ro nghề nghiệp tiềm ẩn đòi hỏi những người trong nghề phải thực sự cứng rắn, tỉnh táo trong xử lý các mối quan hệ nếu không muốn để lại những hậu quả nặng nề.

(Tập thể nữ phòng Công chứng số 01 Cà Mau)

Hãy biến điểm yếu thành điểm mạnh

Mặc dù nghề luật đối với phụ nữ rất nhiều những khó khăn, thua thiệt, nhưng với những người phụ nữ hiện đại, thông minh, tự tin và bản lĩnh, chúng ta luôn biết cách biến những điểm yếu đó thành điểm mạnh, và vận dụng một cách khéo léo vào công việc, sự mềm mỏng, khôn khéo là một lợi thế rất lớn trong công việc: một lời nói nhẹ nhàng, một nụ cười đôn hậu có thể làm dịu đi độ nóng của sự tranh cải, khả năng nắm bắt tâm lý người khác một cách tinh tế, đức tính kiên trì nhẫn nại, sự dịu dàng, duyên dáng của phái nữ nhiều khi lại là một thứ “vũ khí lợi hại” hơn mọi lời nói đanh thép để thu phục lòng người. Thêm vào đó, tính tỉ mỉ, chính xác, tận tâm, chu đáo cống hiến hết mình cũng là yếu tố thuận lợi trong công việc. Đằng sau tất cả những băn khoăn, trở ngại khi bước vào nghề luât, ước mơ to lớn nhất là được trở thành một người sống vì chân lý, và dù cho có bao khó khăn trước mắt, nữ ngành Tư phá Cà Mau vẫn kiên định chọn cho mình con đường này vì họ hiểu rằng “chẳng phải nghề nghiệp tạo danh dự cho con người, mà chính con người tạo danh dự cho nghề nghiệp”.

Như vậy, ngành Luật ngoài những yêu cầu mà phái yếu hoàn toàn đáp ứng được như sự tỉ mỉ, chăm chút và cẩn thận, vì câu chữ trong văn bản đã ký không sửa lại được, lời nói đã nói ra không rút lại được thì vẫn còn cả những yêu cầu khác. Một trong số đó là khả năng hùng biện và tư duy logic, kỹ năng giao tiếp với đối tác thông qua bàn tiệc, điều mà phái yếu hoàn toàn có ít lợi thế hơn khi so với các đấng mày râu. Nên khi theo đuổi ngành Luật, phái yếu tuy được xem là bình đẳng nhưng vẫn phải chịu một số điểm thua thiệt và gian nan, nhưng may mắn là những điều này phụ nữ ngành Tư pháp Cà Mau luôn được động viên cải thiện theo thời gian.

Tác giả: Bạn và Tôi

Ảnh: Tư liệu ngành