Khi mắt sai lầm thì đừng nêu xấu hổ. Vì trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt đối lập “Tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn, thiện – ác, đúng – sai, phải – trái…”. Những khuyết điểm con người mắc phải đều thuộc mặt trái của các mặt đối lập, nó đều phát sinh từ cuộc sống đầy khó khăn, phức tạp và nhận thức của con người luôn là điều giới hạn. Những sai lầm đều phát triển từ những khuyết điểm hàng ngày như: lười biếng (lười học tập, lười lao động), nói dối, nói xấu, cẩu thả, nóng nảy, hách dịch, ích kỉ, bảo thủ, che giấu, mặc cảm, tự ti, tự phụ, thiếu suy nghĩ, thiếu thận trọng…dẫn đến những hành động sai, gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và người khác.

Đúng là không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình. Những khuyết điểm, sai lầm do chính ta gây ra, nếu ta tự nhìn thấy mà tặc lưỡi cho qua, nghĩ rằng không ai biết, ta sẽ tiếp tục phạm sai lầm. Nếu được người khác vạch ra, chỉ rõ mà ta chối bỏ, lấp liếm, bảo thủ, đổ lỗi cho người khác thì không những ta không tiến bộ được mà hậu quả ngược lại, càng làm cho khuyết điểm gia tăng, bản thân mất uy tín, mọi nười không còn tôn trọng, không còn tin tưởng nữa. Vậy, nếu ta chân thành, thẳng thắn công nhận khuyết điểm của mình chẳng những tự ta thanh lọc tâm hồn, hướng tới điều thiện, điều tốt mà còn giữ được uy tín trước mọi người cũng như trong công việc. Mọi người sẽ tôn trọng, cảm phục, yêu mến và giúp đỡ ta nhiều hơn. Người không thừa nhận sai lầm, kiểm điểm mà còn đổ lỗi cho người khác, soi mói, nhỏ mọn, khắt khe. Như thế chẳng phải là che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn.

Khi ta mắc sai lầm khuyết điểm mà ta không nhận ra hoặc ta nhận ra nhưng ta "tặc lưỡi" cho qua, nghĩ rằng không ai biết, người khác chỉ ra cho ta mà ta không lĩnh hội tiếp thu để sửa chữa, ta chối bỏ, chống chế, bảo thủ... thì ta sẽ tiếp tục mắc sai lầm, bản thân mất uy tín, mọi người không tôn trọng, không tin tưởng. "Nhân vô thập toàn", ở đời không có phương thuốc nào có thể giúp con người ta tránh được mọi thiếu sót, khuyết điểm, nhưng không khó để tìm ra liều thuốc hữu hiệu trong chữa trị. Người phạm sai lầm phải dũng cảm nhận lỗi nhưng đi kèm với đó phải quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi".

Trong thực tế, cuộc đời ta khó tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm nhưng ta phải biết thành thực nhận khuyết điểm để sửa chữa có như vậy cuộc sống mới thật sự trở nên tốt đẹp, con người phải biết dựa vào chính mình để sinh tồn hòa nhập để sáng tạo và phát triển. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm”. Theo Người: “Trừ những bọn cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?

Tóm lại, phải phê bình cho đúng.” Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng: “Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. “Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”. 

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Đối với những cán bộ phạm sai lầm do “hám danh trục lợi”, “cố ý phá hoại”, lại “ngoan cố, không chịu ăn năn”, “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi”. Đối với hạng người này, chúng ta phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, “phải có kỷ luật thích đáng”, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”. 

Hồ Chí Minh dạy rằng: “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc.” Người còn nhấn mạnh rằng: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”. Như vậy, thái độ đối với khuyết điểm của Đảng và đối với cán bộ mắc sai lầm vừa khoa học vừa cách mạng, rất độ lượng và cũng rất nghiêm khắc. Người cho rằng, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày không thể tránh khỏi mắc khuyết điểm, bị sai lầm; chúng ta không sợ mắc khuyết điểm, không sợ bị sai lầm; điều quan trọng là không giấu giếm, tìm ra nguyên nhân, rồi tìm mọi cách để sửa chữa và quyết tâm sửa chữa; mặt khác, tuỳ theo tội nặng hay tội nhẹ, Đảng phải xử phạt cán bộ bị sai lầm cho đúng. Đối với những cán bộ, đảng viên cố ý sai lầm, cố tình phá hoại mà ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa, Đảng phải có kỷ luật thích đáng, không để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Có vậy, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng mới tiến bộ không ngừng.

Điều đáng nói ở đây, hiện tượng mắc sai lầm, khuyết điểm và “giấu khuyết điểm” đang là hiện tượng khá phổ biến hiện nay chúng ta chưa chữa từ căn nguyên mà còn biến dạng thông qua biều hiện mượn tự phê bình và phê bình để lấy lòng nhau, nói ưu điểm nhiều, nói khuyết điểm ít, hoặc nếu có nói về khuyết điểm thì cũng cố gắng né tránh một số từ có tính nhạy cảm, không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để động viên, khen ngợi. Nguyên nhân của những yếu kém trong tự phê bình và phê bình là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện, còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Tình trạng người nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng; trái lại, người nhiều khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch bổ nhiệm.

Để tự phê bình và phê bình thực sự là vũ khí sắc bén, “thần diệu”, là quy luật phát triển của Đảng, chúng ta phải trở lại những điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung này. Theo Bác: “Mục đích phê bình để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tự phê bình và phê bình phải có tình thương yêu của con người bởi vì tình yêu thương của đồng chí, đồng đội tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, đảng viên sau những vấp ngã, vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao phó. Bởi vậy, khi phê bình đồng chí mình không nên có thái độ công kích, đao to, búa lớn, mặc cảm, xa lánh mà phải “khéo” sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình để cho đồng chí mình nhận ra những sai lầm, khuyết điểm, khi đã nhận thức được sai lầm, thiếu sót thì phải có biện pháp tích cực sửa chữa, tránh thái độ “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”...

Nhưng có điều nguy hại đặc biệt mà “bệnh giấu khuyết điểm” gây ra cần thiết phải nhắc lại, đó là: Gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hủy hoại uy tín, sức mạnh của tổ chức cũng như từng cá nhân, thậm chí sụp đổ cả chế độ! Vậy phải làm gì để chữa trị “bệnh giấu khuyết điểm”?. Cần nhìn thẳng vào sự thật: “Bệnh giấu khuyết điểm” và thích khen nịnh là bản tính của con người, là yếu tố tâm lý khách quan từ ngàn xưa, ở khắp nơi (thậm chí cổ nhân còn khuyên dạy: “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”). Do đó, muốn chữa “bệnh giấu khuyết điểm” thì phải điều trị từ nguyên nhân gốc, trước hết, người mắc bệnh này phải muốn chữa và quyết tâm chữa (ở đây là người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị các cấp trong hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên).

Nhưng thực tiễn đang tồn tại nghịch lý là rất nhiều cán bộ, đảng viên không muốn chữa “bệnh giấu khuyết điểm”. Lý do thật đơn giản: Tự nhận vi phạm, khuyết điểm thì sẽ thiệt nhiều thứ, như mất thành tích, bị trừ điểm thi đua, ảnh hưởng tới các quyền lợi của tập thể, cá nhân.Thậm chí, việc tự nhận khuyết điểm còn bị nhiều người chê là dại dột, “chưa khảo đã xưng”, “tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt”! Không ít trường hợp còn bị “bêu dương” khắp nơi, nhắc đi nhắc lại mãi. Vì thế, nhiều người, nhiều tập thể đã rút ra “bài học”: Chẳng dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”! Bởi vậy, thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá theo hướng quý trọng đức tính thẳng thắn, trung thực, tự giác nhận khuyết điểm là yếu tố tiên quyết để tuyên chiến với “bệnh giấu khuyết điểm”. Cùng với đó, phải có điểm thưởng cho những tập thể, cá nhân trung thực, tự giác nhận khuyết điểm nhằm khắc phục nghịch lý “không muốn chữa bệnh giấu khuyết điểm” là việc nên làm ngay để chỉnh sửa quy chế thi đua-khen thưởng theo hướng quy định rõ điểm thưởng, điểm phạt, bảo đảm không ai chịu thiệt khi thành thật, tự giác nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Đây chính là liều thuốc đặc hiệu để chữa từ nguyên nhân gốc, trị dứt điểm “bệnh giấu khuyết điểm” nguy hại.

Đảng ta đang khuyến khích và đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đặc biệt, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã xác định rõ nguyên tắc: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng... Thực hiện chủ trương trên, những bất cập, nghịch lý là căn nguyên dẫn đến “bệnh giấu khuyết điểm” cần sớm được xem xét, kiên quyết khắc phục triệt để.

Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để bệnh “giấu khuyết điểm” không còn tồn tại thì tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả, là vấn đề mang yếu tố quyết định thông qua việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc này. Chỉ khi những người đứng đầu nhận thức đúng và dũng cảm nêu gương thì khi ấy mới có không khí dân chủ, biết và dám tự phê bình và phê bình “nói phải đi đôi với làm”, nghĩa là nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi tự phê bình và phê bình thì bệnh “giấu khuyết điểm” không còn tồn tại./.

TS. Phạm Quốc Sử