Cụ thể, Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 26 Nghỉ định số 125/2020/NĐ-CPnhư sau:

“3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

b) Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ;

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

c) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế;

Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn”.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022, thời điểm Nghị định số 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực, tổ chức, cá nhân có hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế sẽ bị phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng. Đồng thời, các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Nghị định số 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi thời hiệu xử phạt hành chính về hóa đơn là 02 năm (trước đây, thời hiệu xử phạt hành chính về hóa đơn là 01 năm).

Đồng thời, Nghị định cũng quy định: Người nộp thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng sẽ được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Theo đó, hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường gồm:

- Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

- Bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực của các giấy tờ sau:

+ Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật;

+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định;

+ Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định.

- Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

- Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định: Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

 

Hoàng Lộc