Theo đó, tại Điều 13 Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình.

- Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 đồng đối với hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính; đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính. (Trước đây, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy hiếp tinh thần nhằm không cho phép thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập vì định kiến giới chỉ bị phạt từ 200.000 - 500.000 đồng).

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính; Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

- Phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Bên cạnh hình thức phạt tiền, Nghị định này còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này và biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này (trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu); Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người bị xâm phạm; Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho các cá nhân, tổ chức vi phạm thì áp dụng các quy định của Nghị định này.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới./.

 

 

Hoàng Lộc