(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwcamau.gov.vn)

Theo đó, phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, ngoài các trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh và các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng hiện có trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ phát triển thêm 07 trạm khí tượng chuyên dùng, 07 trạm thủy văn chuyên dùng (lồng ghép đo mực nước, mưa, mặn), 02 trạm hải văn ven biển và 46 vị trí trạm đo mưa tự động, được chia làm 03 giai đoạn (2023 – 2025, 2026 – 2030 và 2031 – 2035).

Giai đoạn 2023 – 2025, ưu tiên khôi phục, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp thiết bị quan trắc của các trạm, điểm đo hiện có nhưng quá hạn bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị; xây dựng mới các trạm, điểm đo khí tượng thủy văn chuyên dùng đưa vào vận hành phục vụ nhu cầu cấp bách của các ngành, lĩnh vực trong tỉnh.

Từng bước đầu tư xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo hướng tự động, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để thông tin phục vụ các ngành, các lĩnh vực, tổ chức, cá nhân, cộng đồng có nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu từ mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Tăng cường, nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản lý và vận hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quan trắc viên làm công tác đo đạc của hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh và chủ các công trình bắt buộc phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng, khu vực thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai khí tượng thủy văn, khu vực ven biển và hải đảo, vùng trống số liệu và những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục duy trì hoạt động các trạm, điểm đo hiện có và phát triển mạng lưới trạm, điểm đo tại các vùng trọng điểm về kinh tế, các vùng sinh thái nhạy cảm với môi trường.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế quản lý, vận hành, khai thác các trạm, điểm đo; xây dựng cơ chế khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh.

Hình thành hệ thống thông tin kết nối các trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia trong tỉnh. Tiếp tục nâng cấp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao.

Định hướng đến năm 2035, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm mới trong kế hoạch; đồng thời, đưa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính hiện đại, tự động hoàn toàn đạt 100% kế hoạch đề ra; trong đó, 07 trạm khí tượng bề mặt, 23 trạm thủy văn (lồng ghép đo mực nước, mưa, mặn), 02 trạm hải văn ven biển và khoảng 56 trạm điểm đo mưa cho các vùng sinh thái trong tỉnh./.

Huỳnh Quỳnh