(Ảnh minh hoạ, nguồn baochinhphu.vn)

- Ban hành kèm theo Thông tư này là Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Đồng thời, bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

- Theo đó, Quy chuẩn này quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nêu trong Bảng 1, Phần 2, thuộc nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng) được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam và không áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu dưới dạng mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu; mẫu hàng để thử nghiệm; hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, quà biếu, tặng trong định mức thuế; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ và hàng chuyên dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

- Quy chuẩn này áp dụng các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

- Quy định chung của Quy chuẩn bao gồm các nội dung như:

+ Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đảm bảo không gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng. Khi lưu thông trên thị trường, đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phải có giấy chứng nhận hợp quy và thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan kiểm tra tại địa phương; đối với hàng hóa nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận hợp quy.

+ Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm phải kê khai đúng chủng loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với danh mục sản phẩm quy định tại Bảng 1, Phần 2 của Quy chuẩn này. Trường hợp không rõ chủng loại sản phẩm, hàng hóa các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phối hợp với Tổ chức chứng nhận hợp quy, Tổ chức thử nghiệm để thực hiện việc định danh loại sản phẩm.

+ Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhập khẩu quy định tại Bảng 1, Phần 2 của Quy chuẩn này áp dụng biện pháp quản lý dựa trên kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

+ Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa hoặc trên bao gói hoặc trên nhãn gắn trên sản phẩm, hàng hóa hoặc trong chứng chỉ chất lượng, tài liệu kỹ thuật của sản phẩm theo quy định về dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN.

- Ngoài ra, Quy chuẩn còn quy định cụ thể một số nội dung về kỹ thuật; về quản lý; hoạt động đăng ký/ thừa nhận đối với tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm; trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy./.

(Xem chi tiết Thông tư 04/2023/TT-BXD tại đây)

Kim Kha