Theo đó, tố cáo trong lĩnh vực hành nghề luật sư thuộc trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

(Ảnh minh họa)

Hoạt động hành nghề luật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật sư trong khi hành nghề có hành vi vi phạm pháp luật mà hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp này, các cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đó đến cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền giải quyết tố cáo lĩnh vực hành nghề của luật sư được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 41 Luật tố cáo năm 2018 như sau: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết”. Và điểm d, khoản 4, Điều 83 Luật luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương có thẩm quyền: “Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại địa phương”.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực hành nghề luật sư sẽ do Sở Tư pháp thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tố cáo.

Mặt khác, việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của luật sư còn được quy định tại Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật cũng quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư đối với hành vi vi phạm của luật sư. Theo đó, Đoàn luật sư có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với luật sư thành viên, người tập sự hành nghề luật sư, các cơ quan của Đoàn Luật sư mình khi hành nghề hoặc khi thực hiện nhiệm vụ do Đoàn luật sư phân công (Điểm c, khoản 1, Điều 6 Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019). Theo quy định này thì Đoàn Luật sư cũng có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm của luật sư. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm d, khoản 4, Điều 9 Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ thì Đoàn luật sư không xem xét giải quyết và trả lời đối với đơn thư của cá nhân, tổ chức đối với khiếu nại, tố cáo không liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. Như vậy, Đoàn luật sư sẽ loại trừ và không thụ lý giải quyết đối với các đơn tố cáo không liên quan trực tiếp với người tố cáo. Quy định này nhằm tránh sự chồng chéo trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Sở Tư pháp và Đoàn luật sư./.

 

Thanh Long