(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwcamau.gov.vn)

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bao gồm: Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế (khoản 6 Điều 62); quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải (khoản 7 Điều 72); khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (khoản 2 Điều 75); phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh (khoản 6 Điều 75); quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn (khoản 6 Điều 79). 

Theo đó, việc quản lý chất thải công nghiệp được quy định cụ thể như sau:

* Phân loại, lưu giữ, vận chuyển 

- Phân loại: 

+ Chất thải công nghiệp thông thường là chất thải công nghiệp, được phân loại theo mã và ký hiệu phân loại là “TT” tại Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT); 

+ Chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải công nghiệp, được phân loại theo mã và ký hiệu phân loại là “KS” tại Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

- Lưu giữ:

+ Chất thải công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn với chất thải nguy hại; không làm phát tán bụi, rò rỉ; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về thiết bị, dụng cụ lưu chứa, kho chứa hoặc khu vực lưu giữ theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;

+ Chất thải công nghiệp phải kiểm soát được lưu giữ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đối với chất thải công nghiệp thông thường, trừ trường hợp đã được phân định là chất thải nguy hại thì được lưu giữ như chất thải nguy hại.

- Vận chuyển:

+ Chất thải công nghiệp thông thường phải được vận chuyển theo loại sau khi đã phân loại; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và mẫu biên bản bàn giao theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;

+ Chất thải công nghiệp phải kiểm soát được vận chuyển đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đối với chất thải công nghiệp thông thường, trừ trường hợp đã được phân định là chất thải nguy hại thì được vận chuyển như chất thải nguy hại.

* Xử lý 

- Chất thải công nghiệp thông thường:

+ Chất thải công nghiệp thông thường có khả năng tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất thì được quản lý như sản phẩm, hàng hóa;

+ Chất thải công nghiệp thông thường (bao gồm cả tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải rắn thông thường) đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành thì được quản lý như sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng;

+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau: Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật; Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp; Cơ sở xử lý chất thải công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp; Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với các cơ sở thuộc các đối tượng vừa nêu.

- Chất thải công nghiệp phải kiểm soát: 

+ Khi được phân định là chất thải thông thường thì được xử lý như chất thải công nghiệp thông thường;

+ Khi được phân định là chất thải nguy hại hoặc khi chưa phân định thì được xử lý như chất thải nguy hại.

* Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

- Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải công nghiệp thông thường:

+ Thực hiện phân loại chất thải công nghiệp thông thường ngay khi phát sinh chất thải; có thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ chất thải công nghiệp thông thường theo quy định;

+ Chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường;

+ Sử dụng biên bản bàn giao chất thải công nghiệp thông thường theo Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. 

- Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường:

+ Được ký hợp đồng thu gom, vận chuyển nhóm chất thải công nghiệp thông thường với chủ nguồn thải trong 02 trường hợp: Khi chủ nguồn thải đã ký hợp đồng chuyển giao cho cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp hoặc khi chủ nguồn thải đã ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải công nghiệp thông thường phù hợp;

+ Sử dụng biên bản bàn giao chất thải công nghiệp thông thường theo Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

- Trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải công nghiệp thông thường:

+ Bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị, lưu giữ, xử lý chất thải công nghiệp thông thường và thu hồi năng lượng chất thải công nghiệp thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định;

+ Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình phát sinh, xử lý chất thải công nghiệp thông thường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Sử dụng biên bản bàn giao chất thải công nghiệp thông thường theo Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT sau mỗi lần nhận chuyển giao;

+ Lập nhật ký vận hành các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý; sổ theo dõi số lượng các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải công nghiệp thông thường (nếu có).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2024 và thay thế Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

Trung Đông