Quy định này, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị của tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo quy định của Trung ương. Biên chế của các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao hằng năm và có thể điều chỉnh khi cần thiết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã được phê duyệt; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách chính sách tiền lương.

Biên chế cán bộ, công chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức). Biên chế viên chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập (theo quy định của Luật Viên chức, gồm cả các đơn vị sự nghiệp công đã được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí theo quy định của pháp luật). Số lượng người làm việc của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (hội đặc thù). Biên chế cán bộ, công chức cấp xã.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh. Quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế, gồm: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, quy định, quyết định của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị tỉnh.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Là cơ quan Thường trực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý và sử dụng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh, có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý biên chế, sử dụng biên chế và lộ trình tinh giản biên chế của hệ thống chính trị. Trực tiếp quản lý biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và Đảng ủy Dân chính đảng. Thẩm định, đề xuất kế hoạch quản lý và sử dụng biên chế hằng năm do các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý biên chế ở các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh: Trực tiếp quản lý biên chế của các sở; cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở tỉnh. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giao biên chế hằng năm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phân cấp. Quyết định giao, điều chỉnh số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo quy định.

Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy: Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, sử dụng biên chế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; trực tiếp quản lý biên chế được giao (gồm: Biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, biên chế khối chính quyền cấp huyện, biên chế cán bộ, công chức cấp xã); triển khai giao biên chế cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Xây dựng kế hoạch quản lý và sử dụng biên chế hằng năm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng biên chế ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phân cấp. Báo cáo kết quả quản lý và sử dụng biên chế về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Thực hiện củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tiếp nhận, bố trí, điều động, phân công... cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp giữa khối đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền địa phương trong phạm vi chỉ tiêu biên chế; đúng vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lộ trình tinh giản biên chế và quản lý, sử dụng biên chế. Các cơ quan được giao thẩm quyền quản lý biên chế chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế của các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị trực thuộc.

                                                                 Thanh Tòng