Luật Cảnh sát biển Việt Nam được ban hành có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, thể hiện sự tập trung của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân; là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của lực lượng chuyên trách; đồng thời, góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; là cơ sở quan trọng để xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngay sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 được ban hành, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực HĐPH PBGDPL tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nhằm góp phần hoàn thiện các điều kiện để công tác triển khai Luật được thuận lợi. Cụ thể, Sở Tư pháp đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; góp ý dự thảo Tờ trình, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Đồng thời, để kịp thời hoàn chỉnh nội dung rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Cà Mau ban hành còn hiệu lực pháp luật có nội dung liên quan Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Qua thống kê, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh Cà Mau ban hành từ ngay 01/01/1998 đến ngày 15/4/2019 đang còn hiệu lực pháp luật, gồm 217 văn bản. Trong đó, liên quan đến Luật Cảnh sát biển gồm 07 văn bản. Trong đó, 04 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực thi hành liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm: Quyết định về việc ban hành Quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định Ban hành Quy định đảm bảo an toàn cho người canh giữ đáy hàng khơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Cà Mau; Quyết định Ban hành Quy chế quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau và 03 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Cà Mau ban hành liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần bãi bỏ gồm: Quyết định Ban hành quy định phân cấp đăng ký, quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định Ban hành Quy định phân cấp quản lý vùng biển ven bờ cho UBND cấp huyện, cấp xã ven biển tỉnh Cà Mau; Quyết định Ban hành quy định về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng tỉnh Cà Mau.

Nhằm kịp thời quán triệt, nắm vững những nội dung cơ bản, nội dung mới, triển khai thi hành hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Sở Tư pháp cử Báo cáo viên pháp luật tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Thông qua hội nghị, Báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp được nghiên cứu, quán triệt, học tập một số nội dung như: Chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; Nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam; những nội dung chính trong Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phối hợp, tạo điều kiện để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và các văn bản có liên quan, Sở Tư pháp - Thường trực HĐPH PBGDPL cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp, hỗ trợ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Cảnh sát biển năm 2018 và các văn bản có liên quan.

Tháng 10/2020, Sở Tư pháp phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức 07 cuộc tuyên truyền kiến thức pháp luật về biển, biên giới, hải đảo cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới biển tại các xã: Khánh Hòa, Khánh Tiến (huyện U Minh); xã Đất Mũi, Tam Giang Tây, thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển); thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) có 700 đại biểu tham dự. Phát hành 15.000 tờ gấp tuyên truyền Luật Tài nguyên môi trường về biển và hải đảo.

Nhằm quán triệt kịp thời các văn bản luật, nghị quyết mới ban hành cho lãnh đạo các ngành, các cấp; Báo cáo viên pháp luật tỉnh, cấp huyện; tuyên truyền viên cấp xã nắm vững kiến thức pháp luật có liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Sở Tư pháp - Thường trực HĐPH PBGDPL tỉnh tham mưu tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai văn bản quy phạm pháp luật đợt II/2020 bằng hình thức trực tuyến kết nối với 110 điểm cầu trong toàn tỉnh; có 2.203 đại biểu là lãnh đạo các ngành, các cấp; 92 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 240 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; có 2.227 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã dự... Báo cáo viên đã triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020; Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và Luật Thanh niên năm 2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam phát động. Sở Tư pháp đã triển khai, quán triệt nội dung các văn bản liên quan đến Cuộc thi; vận động công chức, viên chức và người lao động đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi tại địa chỉ http://thitimhieuluatcanhsatbienvietnam.vn với 01 cuộc thi Tháng và 03 cuộc thi Tuần. Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau có 24 bài dự thi.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp chính thức đưa vào khai thác và vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật (http://pbgdpl.camau.gov.vn). Đây là nền tảng công nghệ quan trọng góp phần làm đa dạng hóa hình trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đội ngũ cộng tác viên đã viết đăng 05 tin, bài liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật, của Bộ Quốc phòng về Luật Cảnh sát biển Việt Nam để cán bộ và Nhân dân tìm đọc và nghiên cứu. Ngoài ra, chỉ đạo Phòng chuyên môn (Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật) tạo các ứng dụng như: Zalo, Facebook, Fanpage, Youtube, tin nhắn SMS... để giới thiệu, tuyên truyền kịp thời các nội dung, hình ảnh có liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ quốc gia trên biển./.

Phú Toàn