Đoàn kiểm tra làm việc với Ủy ban nhân dân xã Khánh Lộc, Huyện Trần Văn Thời
Theo Kế hoạch, Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Thới Bình và Phú Tân. Trong đó, tại mỗi huyện, Đoàn kiểm tra chọn một đơn vị cấp xã tiến hành kiểm tra trực tiếp công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Đoàn kiểm tra làm việc với Ủy ban nhân dân Huyện Trần Văn Thời
Theo chương trình làm việc, trong 02 ngày (21 và 23/8/2028) vừa qua, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã Khánh Lộc và Ủy ban nhân dân Huyện Trần Văn Thời; Ủy ban nhân dân xã Tân Ân Tây và Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển. Tại mỗi đơn vị, Đoàn kiểm nghe báo cáo về tình hình thực hiện và kiểm tra thực tế hồ sơ đánh giá, chấm điểm, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và kế hoạch, tình hình thực hiện trong năm 2024; kết quả công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023 và kế hoạch, tình hình thực hiện trong năm 2024; kiểm tra Sổ theo dõi hoạt động hòa giải của các Tổ hòa giải ở cơ sở; trao đổi, thảo luận, hướng dẫn và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với đơn vị được kiểm tra.
Bà Phan Kim Bía, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Trần Văn Thời đề nghị Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn thẳng thắn nêu ra những khó khăn, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Sau khi nghe báo cáo, kết hợp với kiểm tra thực tế hồ sơ tiếp cận pháp luật các xã cho thấy: Thời gian qua các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ xã và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đảm bảo các khoản chi cho công tác hòa giải ở cơ sở; các tổ đã làm tốt tính chủ động phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải để tiến hành hòa giải kịp thời; đội ngũ hòa giải viên được cũng cố, kiện toàn kịp thời; công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên và Công chức làm công tác đánh giá chuyển tiếp cận pháp luật được thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở địa phương và chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc, Sở Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận buổi kiểm tra tại Ủy ban nhân dân Huyện Trần Văn Thời
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc, Sở Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế mà địa phương còn gặp phải trong công tác hòa giải ở cơ xã và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: “Tỷ lệ hòa giải thành được nâng lên, nhưng chưa cao, thiếu bền vững so với chỉ tiêu đặt ra đối các xã nằm trong kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới năm 2024; Việc ghi sổ theo dõi và biên bản ở một số Tổ hòa giải chưa đúng quy định; Các địa phương vẫn chưa thực hiện được việc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành; Chưa huy động các nguồn lực như Luật sư, Luật gia, người có trình độ, am hiểu pháp luật tham gia hòa giải ở cơ sở;… Đối với công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật một số nơi vẫn còn tình trạng khoán trắng nhiệm vụ cho Công chức Tư pháp, chưa có sự phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng cho các ngành có liên quan đến từng tiêu chí, chỉ tiêu; Hồ sơ minh chứng cho kết quả chấm điểm chưa được Công chức chuyên môn tổng hợp đầy đủ; Một số chỉ tiêu chấm còn mang tính hình thức, chưa xác với tình hình thực tế tại địa phương; Các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa có đánh giá hiệu quả để làm căn cứ nhân rộng trên bàn;…”.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc, Sở Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận buổi kiểm tra tại Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển
Để kịp thời khắc phục những hạn chế vừa nêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỏa giải ở cơ sở, đảm bảo chặt chẽ trong đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc, Sở Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị: “Ủy ban nhân dân huyện cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt mô hình Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; Đội ngũ hòa giải viên phải được củng cố, kiện toàn kịp thời cả về chất, lẫn về lượng, cơ cấu những người có uy tín, có trình độ, kiến thức, am hiểu pháp luật, tâm huyết, trách nhiệm tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở; Kịp thời phân công Công chức chuyên môn cấp xã tham gia cùng tổ hòa giải trong những trường hợp cần thiết; Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên;… Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định vềv xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; UBND huyện và UBND cấp xã cần thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm cho cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách từng tiêu chí, chỉ tiêu; chỉ đạo công chức chuyên môn thực hiện tổng hợp hồ sơ minh chứng đầy đủ theo quy định; Các mô hình, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật các xã đang triển khai thực hiện cần đánh giá được tính hiệu quả và thực hiện đẩy đủ việc lấy ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các ấp, khóm trên địa bàn; Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra và tự kiểm tra cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhằm kịp thời phát hiện nhưng hạn chế để có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh; việc đánh giá đảm bảo khách quan, thực chất”.
Ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển phát biểu tiếp thu ý kiến kết luận của Đoàn kiểm tra
Tiếp thu ý kiến kết luận của Trưởng đoàn kiểm tra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện Trần Văn Thời và Ngọc Hiển ghi nhận những đánh giá khách quan, sát thực tế của Đoàn đối với kết quả đạt được của địa phương trong công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Đối với những hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra, ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển cho biết: “Ngay sau buổi kiểm tra của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Phòng Tư pháp kịp thời tham mưu chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt đối với 02 lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, phải thực hiện triệt để vấn đề tổng hợp hồ sơ minh chứng. Đây là nhiệm vụ quan trọng để công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực chết, tiến tới công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.
Theo Kế hoạch kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp tiếp tục có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân xã Trí Lực và Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình vào ngày 27/8/2024; Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận và Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân vào ngày 30/8/2024.
Qua kiểm tra nhằm đánh giá được thực trạng, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và công tác đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, kịp thời có giải pháp khắc phục, tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo./.
Phú Toàn