Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào: Nội dung Cơ bản của Công ước chống tra tấn; các văn bản về việc phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước. Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, bao gồm: Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống tra tấn; các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi tra tấn; các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người và phù hợp với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật an ninh mạng, các quy định pháp luật về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến phòng, chống tra tấn; các quy định pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế phù hợp với Công ước chống tra tấn và các quy định, chính sách mới ban hành về phòng, chống tra tấn.

  Các hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; các biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được áp dụng trong quá trình tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định có liên quan. Các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp trong các Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam” và Kế hoạch về Triển khai thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam” đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau và tình hình phòng ngừa, đấu tranh, xử lý của các cơ quan nhà nước đối với hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt, vô nhân đạo.

Về hình thức tuyên truyền, phổ biến:  Lồng ghép triển khai nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với hội nghị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến hoặc hội nghị triển khai pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm...Tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền đến người dân về nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề phòng, chống tra tấn, bạo lực trên không gian mạng và các vấn đề đang được xã hội quan tâm.  Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan truyền thông, trang tin điện tử, bản tin của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.Tuyên truyền, phổ biến thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; hoạt động trợ giúp pháp lý… Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, biên soạn, phát hành, đăng tải, chia sẻ tài liệu tuyên truyền nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn; các văn bản về việc phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Đề án./.

Ngọc Phạm