(Ảnh minh họa, wwwbaochinhphu.vn)

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hệ thống y tế cơ sở về phát hiện sớm ca bệnh, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Trong đó, tăng cường các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi tập trung đông người. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắc đỏ. Trong trường hợp cần thiết, triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Tổ chức tốt việc khám, phát hiện bệnh nhân đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phác đồ điều trị, hội chẩn, chuyển tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phòng, điều trị bệnh. Chuẩn bị các điều kiện điều trị bệnh đau mắt đỏ; kịp thời báo cáo, đề xuất các vấn đề liên quan trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân đau mắt đỏ.

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học và khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý kịp thời. Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Qua đó,  tạo sự đồng thuận của phụ huynh, không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã được chỉ định nghỉ học đến trường.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo Trung tâm y tế tuyến huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, nơi tập trung đông người và cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài. Tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, trường học; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động báo cáo, hỗ trợ giám sát, hướng dẫn xử lý, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Kịp thời báo cáo, đề xuất giải quyết vấn đề vướng mắc để đảm bảo hiệu quả xử lý, phòng, chống dịch bệnh. 

Chỉ đạo các Trạm Y tế phối hợp chặt chẽ với các trường học trong việc phát hiện, điều tra ca bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các lớp học bằng hóa chất Cloramin B hoặc chất tẩy rửa thông thường; thực hiện điều trị, chuyển tuyến các trường hợp đau mắt đỏ theo quy định của Bộ Y tế. Chuẩn bị phương tiện, hóa chất, máy phun hóa chất để phục vụ kịp thời việc xử lý môi trường khi có dịch xảy ra. Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh và hoạt động phòng, chống dịch bệnh về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời.

Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, không lơ là, mất cảnh giác và đảm bảo việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc và triệt để ổ dịch.

 

Huỳnh Quỳnh