Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đạt mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế), hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu như sau:

- Số người nhiễm HIV phát hiện mới đạt mức dưới 70 trường hợp/năm vào năm 2025.

- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân vào năm 2025.

- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 85% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế đạt 50% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng thuốc đạt 35% vào năm 2025.

- Tỷ lệ thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 70% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không bị kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 92% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 75% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 92% năm 2025.

- Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm.

- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2025.

- Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị lao đạt 95% trở lên vào năm 2025 và duy trì trong những năm tiếp theo.

- Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan c được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan c đạt 50% trở lên vào năm 2025.

- Đảm bảo 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về các kết quả quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HTV/AIDS thời gian tới. Đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm mục tiêu giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan đến AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tố chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở...

Triển khai rộng rãi, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở.

Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện nhằm đạt mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước 2030, đồng thời giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

                                                                                      Ngọc Phạm