Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt kết quả ấn tượng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã thay đổi tích cực, ngày càng nhiều người Việt "ưu tiên" và tin dùng hàng Việt.

Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận được xem là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới. Theo đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Cà Mau tập trung vào tám nhiệm vụ quan trọng:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền. Trong đó, cần tích cực đối mới nội dung, phương thức tuyền, vận động; tăng cường công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trong các cơ sở giáo dục; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt Nam, của cộng đồng các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu câp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp trong hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động.

Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù họp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước. Thường xuyên rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba, chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, hộ gia đình tăng cường sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa do người Việt Nam sản xuất. Thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hợp tác xã xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm nội địa, sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình sản xuất, kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Thứ tư, thúc đẩy sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Cà Mau có chất lượng tốt. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Cà Mau đến người tiêu dùng. Có cơ chế công khai về các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có thông tin.

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích. Đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Tổ chức đưa hàng Việt, sản phẩm OCOP lên các kệ hàng, đảm bảo hàng Việt Nam chiếm thị phần tương xứng trong các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước, trong tỉnh; đa dạng các kênh bán hàng tiện ích, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng.

Tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hóa Cà Mau thông qua vai trò của Ban liên lạc đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ bằng các hoạt động phân phối hàng hóa, nông sản, lương thực, thực phẩm.

Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phổi hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ảnh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp. Thường xuyên giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ bảy, tổ chức sơ kết, tổng kết và biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh có nhiều thành tích trong Cuộc vận động. Có hình thức phù hợp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp; tô chức, cá nhân ở trong tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ tám, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp phải thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động; thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp xã. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Bí thư cấp ủy hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; hằng năm xây dựng kế hoạch hoạt động, chọn chủ đề phù hợp để tập trung chỉ đạo đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện Cuộc vận động ở các cấp, các ngành.

Thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tích cực tuyên truyền và hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng là cách để hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới./.

Phú Toàn